| 05-04-2019 | 09:11:22

“Lối mở” vào đời cho học sinh phân luồng

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu hiện nay, một người lao động dù có tay nghề giỏi nhưng thiếu trình độ văn hóa thì hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai cũng sẽ bị hạn chế. Do đó, tạo ra những “sản phẩm” chất lượng, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh vừa đào tạo nghề song song dạy văn hóa cho học sinh phân luồng. Đây là một mô hình đào tạo hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp đối với người học.

Dạy chữ, dạy nghề

Có mặt tại khu thực hành trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, chúng tôi được chứng kiến cảnh các học viên lớp trung cấp hệ vừa học văn hóa vừa học nghề đang say sưa với những dụng cụ thực hành. Sau những buổi thực hành nghề, các em lại cắp sách đến lớp để cùng nhau học các môn văn hóa trong chương trình THPT. Em Nguyễn Việt Dũng cho biết sau khi hoàn thành chương trình THCS, em đã đăng ký học nghề tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore. Qua 2 năm học tập, em thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn bởi chỉ còn ít thời gian nữa sau khi hoàn thành chương trình học tập em sẽ có bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, em có thể đi làm việc để giúp đỡ gia đình trang trải cuộc sống.

Cán bộ trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Tâm sự của Dũng cũng là tâm sự chung của hàng trăm học sinh đang theo học nghề, học văn hóa tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore. Đó cũng là nỗ lực của nhà trường trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em không xem vào đại học là con đường duy nhất mà thay vào đó là lựa chọn đi học nghề. Theo thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, trước những nhu cầu bức thiết của xã hội về nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, trình độ văn hóa, trong những năm qua trường đã chủ động liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh mở các lớp học vừa dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, vừa dạy chương trình trung cấp nghề cho học sinh. Kết thúc khóa học, các em có 2 bằng (bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề). Ra trường, các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Ngoài ra, các em vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng hoặc đại học theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Hơn 20 năm nay, trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương đã thực hiện song song việc đào tạo văn hóa, dạy nghề cho hàng ngàn học sinh của trường. Trong số đó, nhiều em nay đã thành công khi lựa chọn học song song và có việc làm ổn định. Riêng năm học 2018-2019, trường đang đào tạo văn hóa và dạy nghề cho 223 học sinh có nhu cầu học thêm văn hóa. Mỗi năm, nhà trường đều triển khai kế hoạch tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, cử cán bộ đến các địa phương nắm bắt nhu cầu đào tạo, xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng học sinh THCS và phụ huynh về lựa chọn học trung cấp tại trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương ngay sau khi tốt nghiệp THCS.

Rút ngắn thời gian học

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang tổ chức tuyển sinh hệ đào tạo nghề kết hợp học văn hóa. Các đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các trường THCS, THPT để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, các trường còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, nhất là học sinh thuộc hộ khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay vì mất 5 năm để vừa học chương trình phổ thông (3 năm) sau đó học trung cấp nghề (2 năm), thì nay người học chỉ cần mất 3 năm cho cả thời gian học chương trình phổ thông và trung cấp nghề. Đối với những trường nghề tham gia mô hình đào tạo kết hợp vừa học văn hóa vừa học nghề, chương trình học sẽ được xây dựng đổi mới theo hướng giảm bớt thời gian học những môn học lý thuyết không cần thiết; đồng thời tăng cường thời gian thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và làm quen với môi trường công việc thực tiễn. Đặc biệt với mô hình này, người học chỉ phải chi trả học phí cho phần học văn hóa và hoàn toàn được miễn học phí đối với phần học nghề.

Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết việc kết hợp dạy văn hóa và nghề nghiệp cho các em học sinh là một xu thế mới của xã hội nhằm đáp ứng thị trường lao động hiện nay. Thay vì chờ tốt nghiệp THPT xong mới đi học nghề thì mô hình này giúp các em có thể được học và cấp bằng song song mà lại không mất học phí học nghề. Đặc biệt, những ngành nghề các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lựa chọn đào tạo cũng sát thực với nhu cầu thực tế của xã hội nên các em có thể có công việc ổn định sau khi ra trường. Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã gửi công văn đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết hợp dạy văn hóa cho học sinh.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ