| 01-10-2019 | 14:20:32

Lớp học tình thương của cô giáo Điểm

Khi chúng tôi hỏi thăm về một lớp học tình thương, nhiều người đã nói đơn giản rằng: “À, đó là lớp học của cô giáo Điểm!”. Đơn giản thế, nhưng cô đã âm thầm giúp hàng chục đứa trẻ nghèo xóa mù chữ trong nhiều năm qua.


Các em học sinh của cô giáo Điểm nhận quà tài trợ

Chắp cánh yêu thương

Con đường quanh co xuyên các vườn cao su đưa chúng tôi đến thăm nhà cô giáo Lê Thị Tô Điểm. Bằng tình yêu thương và mong muốn được giúp đỡ những đứa trẻ nghèo, bằng tấm lòng yêu trẻ vô bờ bến, việc làm cao cả của cô trong những năm qua, cô đã tận tâm tận lực làm tốt công việc của mình mà không cần kể lể hay nề hà khó khăn gì. “Nhà cô bài trí khá giản dị, chồng bị bệnh đang nằm nhà điều trị, còn con trai đi làm. Cô đang chuẩn bị cơm nước và nghỉ ngơi chút xíu đến đầu giờ chiều là học sinh đến học”, cô Điểm chia sẻ.

Cái tên thật đúng như cuộc đời cô vậy, chuyên làm những việc để tô điểm cho cuộc đời mà không màng lợi danh, không hề lo nghĩ riêng cho cuộc sống còn khó khăn của mình. Tất cả bởi tấm lòng dành cho những đứa trẻ khó khăn không có điều kiện đến trường. Ấn tượng của tôi về cô giáo này là một người hiền lành, chất phác và giản dị. Gặp và chuyện trò cùng cô giúp cho người đối diện thêm cảm phục, thêm niềm tin về những gì tốt đẹp trong cuộc đời.

Trao đổi với cô, được biết cô Điểm sinh năm 1955. Trước 1975 cả nhà cô sống ở Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô Điểm về lại quê cũ (nay là ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng). Đây là quê nội của cô và mong muốn của ba mẹ cô luôn là “con cháu về sinh sống tại đất vườn của ông bà, tổ tiên để lại”, cô Điểm cho biết. Cả nhà cô trở về quê từ đó. Cuộc sống khó khăn nhưng cô luôn dành thời gian để làm công tác đoàn thể, từ thiện xã hội. Hiện tại cô Điểm cũng là một trong những chi hội trưởng gương mẫu của Hội Phụ nữ ấp Bà Phái, xã Long Nguyên.

Lớp học tình thương của cô giáo Điểm được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009. Xuất phát từ các gia đình có nhu cầu gửi con em để họ đi làm từ sáng tới chiều tối mới về. Các phụ huynh có con em gửi học ở nhà cô sẽ đóng học phí 100.000 đồng/tháng. Số tiền này cô cũng dành để mua sách vở cho học sinh. Từ đó đến nay rất nhiều lứa học sinh đã học với cô.

Cái duyên với trẻ em trở về…

Chuyện cô chuyển sang dạy từ thiện hoàn toàn, không thu tiền nữa là từ năm 2014. Cô Điểm kể: “Có một nhóm trẻ đến học với cô và cô ngạc nhiên khi đến tháng đóng tiền, dù chỉ 100.000 đồng/tháng nhưng các em không đóng. Cô thử hỏi học phí thì các em lần lữa mãi, sau đó nói ba mẹ con đi làm thuê chưa có tiền. Cô giáo cho… mẹ con nợ nhé! Nghe học trò nói thấy thương quá nên tôi quyết tìm hiểu xem sao”.

Một lần dạy học xong, cô Điểm thử cùng về thăm nhà của một học sinh. Lúc đó mới biết rằng, các em là một nhóm trẻ hoàn toàn không có giấy tờ khai sinh, hộ khẩu gì cả. Bởi các em theo ba mẹ từ Campuchia trở về sống ở địa phương. Họ về địa phương của cô sinh sống và làm việc cho một trại nuôi ba ba. Công việc làm ăn của chủ thua lỗ, họ tự mưu sinh bằng cách đi làm thuê, làm mướn, sống tạm bợ trong những lán trại cất tạm trong vườn cao su. Trong một đợt đi khảo sát dân số, cô Điểm cùng cán bộ địa phương ghi nhận ở đây có đến 14 hộ từ Campuchia trở về. Tổng nhân khẩu là 55 người, trong đó trẻ dưới 16 có đến 21 em. 5 năm qua, các em học sinh học với cô Điểm là đến từ những gia đình khó khăn này. Hiện tại cũng còn đến 10 em đang học lớp tình thương với cô Điểm. Các em chia ra từ học lớp 1 đến lớp 5 và cô Điểm “đóng tròn vai cô giáo” cả 5 khối lớp như thế.

Học trò không có sách vở, áo quần, cô Điểm vừa dạy học vừa xin áo quần, sách vở và dụng cụ học tập cho các em. Một số em đã học ở cô như em Phạm Thị Phúc (14 tuổi) nay đã nghỉ học để đi xin việc làm. Em Võ Văn Bảo khi học biết viết, biết đọc, tính toán cộng trừ nhân chia cũng xin nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Với các em ấy, cô Điểm là ân nhân của cuộc đời bởi nếu không có cô, các em vẫn mù chữ, vẫn mãi sống trong cảnh tăm tối vì vừa đói nghèo, vừa mù chữ.

Đến thăm các lớp học của cô giáo Điểm với mỗi lớp vài trò như thế mới thấy rằng, nếu không có tâm huyết thì không thể nào dạy được cho các em. Nhiều em tiếp thu rất chậm. Cô Điểm ví von: “Ở trường thì học sinh theo cô giáo còn ở lớp học tình thương này cô giáo phải theo học sinh. Nhiều lúc lớp học bắt đầu từ 13 giờ 30 phút nhưng đến 14 giờ các em mới đến lớp nên cô cũng phải chịu khó giảng bài. Nhiều em tiếp thu quá chậm, phải học 2 - 3 năm mới xong một lớp nhưng tôi vẫn miệt mài dạy học đến khi nào các em đọc thông viết thạo mới thôi”. Điều đáng nể phục ở cô giáo Điểm là sau khi biết nhóm học sinh trở về từ Campuchia rất khó khăn, ba mẹ đi làm thuê làm mướn thì cô đã miễn học phí hoàn toàn cho các em. Ngoài việc miễn học phí, cô còn vận động nhiều tổ chức, cá nhân để giúp các em có điều kiện đi học. Những dịp lễ, tết cô cũng vận động Hội Phụ nữ xã Long Nguyên và các đoàn thể trong ngoài tỉnh đến tổ chức vui chơi cho các em, phần nào giúp các em bớt đi tự ti, mặc cảm về bản thân.

Nhà có sân vườn rộng nên cô giáo Điểm đã dành một khoảng đất để xây lớp học tình thương ngay bên cạnh nhà. Trong phòng học chia ra từng nhóm và một mình cô… phân thân để dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Vất vả đến đâu cô cũng chịu được miễn sao học trò tiến bộ. Có những em sau khi đã làm được giấy khai sinh, nhập hộ khẩu vẫn không chịu đi học ở trường mà nhất định xin ba mẹ “cho con học lớp cô giáo Điểm”. Điều này cho thấy các em đã quý mến cô như thế nào.

Đến để gặp cô giáo Điểm và thấy rằng cuộc sống này vẫn thật thú vị, vẫn đáng yêu khi có nhiều người luôn âm thầm làm tốt việc của mình như cô. Họ không cần được tuyên dương, được biết đến mà họ chỉ cần biết đó là việc nên làm, nên giúp người, giúp đời. Mong rằng cô giáo Điểm luôn vững vàng, đủ tình yêu, đủ sức khỏe để đứng lớp thêm nhiều năm nữa. Bởi trẻ không có điều kiện đến trường vẫn cần cô giúp đỡ, cần cô yêu thương còn nhiều…

Nhận xét về cô giáo Điểm, bà Nguyễn Thúy Hằng, cán bộ chuyên viên tiểu học, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bàu Bàng, cho biết: “Tôi từng dạy học ở Long Nguyên trước khi về công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bàu Bàng nên biết khá rõ về lớp học tình thương này. Cô Điểm đã nghỉ hưu nhưng âm thầm đứng lớp xóa mù cho học sinh từ nhiều năm nay. Đây là một điều rất đáng trân trọng và ghi nhận. Hồi còn ở địa phương, tôi cũng thường xuyên cùng cán bộ ở xã đến tìm hiểu và giúp đỡ các em học sinh ở lớp học tình thương này. Có nhiều em được ra học trường công do đã bổ sung giấy tờ, hồ sơ. Tuy nhiên, được vài tháng các em lại bỏ học vì ba mẹ lại chuyển nhà đi nơi khác sinh sống. Thế nên những lớp học tình thương do những người từ tâm như cô giáo Điểm mở ra luôn cần thiết. Đó mới là cứu cánh giúp các em thoát khỏi nạn mù chữ, có kiến thức để vào đời”.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ