Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) cần có những quy định rõ ràng để xử lý hành vi thao túng thị trường bất động sản, "thổi giá" nhà đất.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) ngày 31/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Giải quyết tình trạng 'thổi giá,' bỏ cọc
Tham luận tại hội trường, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng hành vi thao túng thị trường bất động sản nguy hiểm không kém hành vi thao túng thị trường chứng khoán, trong khi Luật Hình sự mới có quy định xử lý liên quan đến chứng khoán.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao.
“Hành vi thao túng bất động sản, ‘thổi giá’ nhà đất diễn ra với nhiều hình thức tinh vi nhưng lại chưa có quy định cụ thể trong luật để xử lý, loại trừ triệt để, tiềm ẩn nguy cơ tạo thành ‘bong bóng’ bất động sản, rất nguy hiểm cho nền kinh tế,” Đại biểu nêu vấn đề.
Cùng chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, trong đó có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh.
Đại biểu cho biết thực tế thời gian qua hành vi này diễn ra phổ biến, “làm giá” đất tăng cao, khiến người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở.
Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Đại biểu Trần Hồng Nguyên chọn phương án chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng dự án nhận đặt cọc nhưng không triển khai.
Ông Nguyên cho rằng thị trường bất động sản thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây ra nhiều rủi ro hơn cho khách hàng.
“Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng này xảy ra,” Đại biểu Trần Hồng Nguyên nêu quan điểm.
Tránh tình trạng luật ‘chồng’ luật
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề cập đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo các quy định.
Cụ thể, Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh bất động sản gắn với quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, để Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về các quy định cụ thể, Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm nội dung vào Điều 8 các hành vi bị cấm. Theo đó, cần cấm các hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân đối với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện về pháp lý, vì trong quá trình phòng ngừa đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ngành công an đã phát hiện, xử lý một số tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi kinh doanh, giao dịch các lô đất trúng đấu giá khi dự án, lô đất này chưa có đầy đủ thủ tục về pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Tham gia thảo luận, Đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng rằng Khoản 5 Điều 13 Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) quy định thời điểm xác lập quyền sử dụng đất là thời điểm thực hiện xong giao dịch chuyển nhượng. Quy định này cần đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Dân sự, Luật Đất đai…
“Tôi cho rằng cần thiết phải điều chỉnh quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, công trình trên đất, diện tích sàn xây dựng là thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký quyền sử dụng đất là bắt buộc nhưng đăng ký quyền sở hữu nhà ở công trình trên đất là theo yêu cầu của chủ sở hữu,” ông Tân cho biết.
Theo Đại biểu Lã Thanh Tân, thực tế có nhiều trường hợp chủ sở hữu không thể hoàn tất việc đăng ký để được cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất. Lý do là nhà ở được xây dựng từ nhiều năm, không có đủ hồ sơ xây dựng.
“Vì vậy, sau khi các luật có hiệu lực thì các cơ quan quản lý nhà nước cần tính đến các quy định về thủ tục hành chính phù hợp để đảm bảo thực hiện công tác quản lý nhà nước, chống thất thu thuế và phải đảm bảo quyền của chủ sở hữu khi thực hiện việc chuyển nhượng mua bán tài sản trên đất,” ông Lã Thanh Tân nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, có tác động lớn đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được trình Quốc hội như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện./.
Theo TTXVN