Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Năm 2009, anh Luke Johnston bắt đầu hành trình sang Việt Nam với mong muốn thay cha - một cựu binh Úc, tìm lại hài cốt và kỷ vật của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã hy sinh trong thời chiến. Hành trang lúc bấy giờ là vài từ tiếng Việt bập bẹ cùng những tư liệu và những gì về cuộc chiến tranh Việt Nam qua lời kể, qua bộ sưu tập của ba anh. 15 năm gắn bó, bây giờ anh đã có tên tiếng Việt là Lực và đã có nhiều đóng góp cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS).
Ác mộng chiến tranh
Trong giai đoạn cách mạng miền Nam kháng chiến chống Mỹ, quân đội Úc tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam với tư cách “đồng minh” của Mỹ. Với 8 năm tham chiến (từ năm 1965 đến 1973), sau này 2 chữ “Việt Nam” đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với nhiều cựu binh Úc, trong đó có ông David Charles Johnston, cha của anh Luke Johnston (Lực).
Theo lời kể của anh Lực, cha của anh - ông David Charles Johnston chỉ có 11 tháng tham chiến ở Việt Nam, từ cuối tháng 12 năm 1967 đến tháng 11 năm 1968. Ông đã trực tiếp tham chiến ở nhiều nơi, từ Bà Rịa - Vũng Tàu, đến Trảng Bom (Đồng Nai), Hội Nghĩa, Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên)… Nơi nào ông đi qua, trận chiến cũng rất ác liệt. Những người bạn thân, những đồng đội… đã ngã xuống trước mặt ông. Ông David Charles Johnston trở về Úc với vết thương khá nặng ở tim và hình ảnh những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã hy sinh cho đất nước. Họ được chôn ở những hố chôn tập thể… Và, chính ông cũng bị nhiều người dân Úc “kỳ thị” vì đã tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa… Gần 1 năm ngắn ngủi tham chiến ở Việt Nam, ông David Charles Johnston phải trả giá bằng cả cuộc đời còn lại dằn vặt. Ông David Charles Johnston luôn ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Việt Nam. Có lẽ ông mắc phải hội chứng khủng hoảng tâm thần (PTSD - post traumatic stress disorder) và không nguôi nỗi ám ảnh về quang cảnh kinh hoàng mà mình đã chứng kiến trong chiến tranh Việt Nam như nhiều cựu binh Úc khác…
Anh Lực (bìa phải) túc trực tham gia cùng lực lượng tìm kiếm, quy tập HCLS của tỉnh Bình Dương
Anh Lực kể: “Tôi chứng kiến ba tôi gặp ác mộng hàng đêm. Ba tôi luôn day dứt về những tội ác đã gây ra cho những gia đình người Việt Nam. Những người cha, người con… đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt để lại nỗi đau cho những người làm mẹ, làm vợ ở quê nhà. Nhưng có lẽ dằn vặt họ hơn cả là đã bao năm tháng trôi qua, nhưng có rất nhiều gia đình chẳng thể biết người thân của mình đã nằm xuống nơi đâu, thân xác họ chôn vùi chốn nào. Họ chưa một lần được cúi đầu thắp nén hương tưởng niệm trước chút di cốt còn lại của người thân…”.
Qua thông tin của những cựu binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam cung cấp, từ năm 2004-2019, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã phối hợp khảo sát, tìm kiếm 42 liệt sĩ của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 hy sinh ngày 26-5-1968 tại ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên nhưng không có kết quả. Với trách nhiệm trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Bình Dương tổ chức khảo sát, xác định vị trí tọa độ để tìm kiếm. Ngày 13-3-2024, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND huyện Bắc Tân Uyên đã tổ chức nghi thức dâng hương và động thổ tiến hành công tác tìm kiếm, quy tập HCLS tại ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ. Sau 20 ngày, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện HCLS và các vật dụng sinh hoạt của bộ đội như tăng võng, quần áo, dép cao su, bút, lưỡi lê... Hiện nay, công tác tìm kiếm, quy tập HCLS ở khu vực này vẫn đang tiếp tục... |
Những ám ảnh của ba lớn dần trong tâm trí của anh Lực. Và những câu hỏi: “Việt Nam là đất nước như thế nào? Việt Nam có gì để ba anh phải sống trong lo sợ”… cứ lớn dần trong anh. Và năm 2009, khi ấy 33 tuổi, anh bắt đầu hành trang đến với Việt Nam bằng vốn tiếng Việt ít ỏi.
“Để các chú được về với gia đình”
Hình ảnh một anh người Úc “ăn dầm, nằm dề” cùng lực lượng tìm kiếm, quy tập HCLS ở ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên trong những ngày qua đã quen thuộc với người dân nơi đây. Trên chiếc xe cà tàng, đều đặn hàng ngày anh có mặt từ rất sớm. Trò chuyện cùng anh, chúng tôi được nghe anh tâm sự: “Khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam, mọi thứ đều xa lạ. Lúc đó, tôi cũng chưa hình dung được điều gì sẽ chờ đợi tôi phía trước và đặc biệt là con người bên kia chiến tuyến sau chừng ấy năm. Nhưng tôi thấy, người Việt Nam rất thân thiện, dễ mến. Và tôi đã đến tận nơi, những địa điểm mà ba tôi đã từng đến, chiến đấu. Bây giờ cảnh vật đổi thay nhiều nhưng tọa độ đó, vị trí đó…, vẫn in hằn ở đó”.
Lúc anh Lực mới sang Việt Nam, thời kỳ đó chưa thể gọi điện video như bây giờ. Hàng ngày, anh gọi điện thoại về cho ba anh để vừa báo cáo tình hình, vừa để xác nhận… là anh đã đến đúng địa điểm hay chưa? “Tôi thật sự xót xa khi có hàng trăm ngàn HCLS vẫn chưa được quy tập và xác định được danh tính. Do vậy, tôi nghĩ rằng mình nên đóng góp một phần trách nhiệm trong việc thực hiện những công việc cần thiết để đưa HCLS trở về với những người thân yêu của họ”, anh Lực chia sẻ.
Anh Lực trên chiếc xe máy trong hành trình đi tìm HCLS
Qua những thông tin thu được từ ba anh, từ các cơ quan của Mỹ và từ những cựu binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam để xác định chính xác vị trí, tọa độ, địa điểm… để quy tập, tìm kiếm HCLS, anh đã gõ cửa Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để nhờ giúp đỡ. Trên cơ sở hồ sơ của anh Lực, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã liên hệ với Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Bộ Ngoại giao nhờ hỗ trợ.
Và kết quả thu được ngày hôm nay làm anh Lực thật sự rất xúc động. Sau 20 ngày tìm kiếm, quy tập HCLS (tính từ ngày Ban Chỉ đạo 515 tỉnh làm lễ động thổ tìm kiếm, quy tập HCLS), lực lượng tìm kiếm, quy tập HCLS của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tìm thấy nhiều HCLS, cùng nhiều kỹ vật của bộ đội như tăng võng, quần áo, dép cao su, bình nước, viết, xẻng đào đất, lưỡi lê...
Khi những hài cốt, kỷ vật được tìm thấy, anh Lực rất xúc động. Anh chia sẻ: “Vậy là các chú sắp được trở về với gia đình. Nỗ lực tìm kiếm của chúng tôi đã có kết quả. Ở trên trời, tôi mong ba tôi được an lòng”.
THU THẢO