| 25-08-2022 | 08:52:03

Mã số vùng trồng: Giải pháp tăng sức cạnh tranh cho nông sản

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để nông sản Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động hướng dẫn nông dân xây dựng MSVT, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

 Khi được cấp mã số vùng trồng, nông sản sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo)

 “Tấm giấy thông hành”

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản. Nông sản có MSVT được đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường với nguồn gốc tại vùng trồng đó, nhằm tránh trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số, nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng những yêu cầu về xuất khẩu. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những “rào cản” về kiểm dịch thực vật của một số quốc gia đối với nông sản Việt Nam.

Các cơ sở được cấp MSVT sẽ được xuất khẩu chính ngạch, được ưu tiên làm thủ tục thông quan. Do đó, các cơ sở xuất khẩu nông sản cần phải có MSVT. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cấp mã số, mã vạch cho các loại nông sản. Tại các cửa khẩu, hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong vùng trồng đã được cấp MSVT thì sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Khẳng định tầm quan trọng của việc cấp MSVT, bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm cây trồng. Đồng thời, phục vụ tốt cho công tác tiêu thụ nội đia và xuất khẩu đối với nhóm cây trồng chủ lực của Bình Dương. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Thời gian qua, song hành cùng với bà con nông dân, ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tích cực vào cuộc xây dựng MSVT. Trong đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở bà con ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ; thành lập nhóm Zalo để đôn đốc việc thực hiện. Đồng thời, thường xuyên cập nhật hệ thống dữ liệu cơ sở sản xuất lên phần mềm, tiến hành kiểm tra mẫu nước, mẫu đất theo quy định. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 9 MSVT, 7 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc và 2 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Mỹ. Cụ thể: 7 MSVT chuối, diện tích 623,45 ha; 1 MSVT mít, diện tích 70 ha và 1 MSVT măng cụt, diện tích 7,5 ha.

Đẩy mạnh tiến độ cấp mã số vùng trồng

Bà Phạm Đỗ Bích Quyên cho biết thêm, để được cấp MSVT, người nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Việc xây dựng MSVT không những giúp truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Từ thực tế triển khai có thể thấy, khi được cấp MSVT sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai MSVT trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: Đa phần bà con sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy mô nông hộ, trong khi yêu cầu vùng sản xuất phải có diện tích từ 2 ha trở lên. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa ghi chép đầy đủ sổ theo dõi quá trình chăm sóc, thu hái. Do đó, thời gian tới ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch tiếp tục quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường liên kết trong sản xuất và đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, giúp bà con tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được MSVT.

Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký MSVT. Đây vừa là điều kiện và cũng là cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường khó tính. Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện xây dựng MSVT cho nông sản thành công, thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ nhận thức của các hộ sản xuất, doanh nghiệp... từ cơ sở sản xuất và cơ sở chế biến, áp dụng truy xuất, khoa học công nghệ vào sản xuất để hướng tới mở rộng thị trường quốc tế.

 PHƯƠNG ANH - THẢO TRÚC

Chia sẻ