Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm.
Dự báo hướng đi của bão số 8Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, hồi 04 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 113 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Bình khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (27-10) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội; khu vực Vịnh Bắc Bộ từ chiều và đêm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ sáng mai (28-10) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ trưa và chiều mai (28/10) có gió giật cấp 6, cấp 7. Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Miền Trung khẩn trương triển khai công tác phòng chống cơn bão số 8
Đêm qua, tại các tỉnh Trung Trung bộ mưa to, ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ có sóng lớn. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai phương án đối phó với bão số 8.
Trước diễn biến nhanh và phức tạp của bão số 8, Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn ở các khu neo đậu như: Ròon, cảng Gianh, Cảng Nhật Lệ và các khu neo đậu khác.
Theo dự báo do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, tỉnh Quảng Bình sẽ có mưa to đến rất to. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng lên mức báo động III. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình có 2.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu sống ở vùng đặc biệt nguy hiểm, tập trung ở các triền sông Gianh, Sông Son và Sông Lý Hòa. Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình đang chủ động triển khai các phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra theo dõi các khu vực dân cư gần bờ sông, bờ biển mà thường bị sạt lở để có phương án di dời.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Quảng Trị đã lên phương án sơ tán dân 2000 hộ dân vùng ven biển, ven sông, sạt lở núi đến nơi an toàn. Trong đêm qua, tỉnh Quảng Trị sơ tán khẩn cấp 120 hộ dân vùng lũ quét, vùng cở lở ven biển đi tránh báo lũ.
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết: “Bằng mọi giá kêu gọi tất cả các tàu thuyền hiện nay đang đánh bắt trên biển, tìm cách tránh ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, không đi vào vùng có bão. Chỉ đạo cho các địa phương kiểm tra tất cả các hồ đập để có phương án phòng chống và khắc phục khi có sự cố xảy ra, nhất là vùng xung yếu ven biển, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở ở ven sông, ven suối, ven núi”.
Các địa phương ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lên kế hoạch sơ tán 11.500 hộ với 40 ngàn khẩu đến nơi an toàn trước 14h ngày hôm nay 27-10. Thông tin từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi thì đến tối qua đã có 5 trong số 7 phương tiện hoạt động vùng biển Quần đảo Hoàng Sa đã vào bờ an toàn.
Thượng tá Đỗ Ngọc Nam, Phó chỉ huy Trưởng, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: các Đồn Biên phòng tiếp tục thông tin cho phương tiện ở Khu vực biển phía Bắc nhanh chóng vào bờ, tìm nơi trú bão. Đồng thời liên tục thông tin cho bà con biết hướng di chuyển của bão để bà con chủ động vào bờ.
Quảng Trị lưu ý hồ chứa, công trình thuỷ điện
Sự cố vỡ một phần vai đập Công trình Thuỷ điện Đakrông 3 tỉnh Quảng Trị do mưa lớn hồi đầu tháng 10 vừa qua đã khiến người dân địa phương lo lắng. Thông tin về cơn bão số 8 kèm theo mưa to có khả năng gây ra lũ lớn khiến người dân khu vực lòng hồ và hạ du Công trình thuỷ điện Đakrông 3 lại thêm hoang mang. UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các ngành, địa phương có phương án điều tiết xả lũ hợp lý, chủ động lên phương án sơ tán dân vùng hạ du đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong lúc chờ đợi phương án khắc phục sự cố vỡ vai đập Công trình Thuỷ điện Đakrông 3, chúng tôi đã lên phương án điều tiết lũ, điều tiết nước để phòng tránh khí mưa to, lượng nước lớn lớn dồn về vùng hạ lưu hoặc vùng thượng lưu làm thiệt hại của nhân dân. UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương cùng với các sở, ngành liên quan có kiểm tra, chỉ đạo địa phương có lực lượng thường trực sẵn sàng tổ chức ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Theo VOV