| 22-06-2022 | 08:34:01

Mô hình phát triển thông minh: Yếu tố cốt lõi của một cộng đồng thông minh

Trong khuôn khổ sự kiện Vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới đã diễn ra chương trình hội thảo với chủ đề: “Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự tăng trưởng trong đồng đồng”.

Phát triển hệ sinh thái kiểu mới

Tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương đã trình bày tham luận chính với chủ đề: “Mô hình phát triển thông minh: Yếu tố cốt lõi của một cộng đồng thông minh”. Tham luận đã trả lời cho các câu hỏi: Mô hình phát triển nào giúp Bình Dương chuyển mình từ một vùng đất nông nghiệp lạc hậu trở thành vùng đất công nghiệp sôi động? Trong phương thức đó, công cụ và cách thức thu hút nguồn lực ra sao? Triết lý phát triển xuyên suốt nào giúp Bình Dương duy trì được tính kế thừa về chiến lược phát triển của tỉnh qua nhiều thế hệ? Bình Dương đúc kết được gì tiếp tục phát triển phù hợp với thời đại số, kinh tế số và kinh tế tri thức?

Với mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã đưa Bình Dương phát triển vượt bậc trong chặng đường qua

Chia sẻ tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng cho biết những năm giữa thập niên 90, Bình Dương được biết đến là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt dịch vụ chưa thực sự phát triển, thu ngân sách hàng năm còn khiêm tốn. Trước những khó khăn như thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng yếu kém và muôn vàn thách thức khác đã đặt ra cho chính quyền và nhân dân Bình Dương một bài toán khó. Đó là làm thế nào để thúc đẩy Bình Dương từ vùng đất thuần nông trở thành một vùng đất phát triển, khai mở tiềm năng và cơ hội, tạo dựng thế và lực để bứt phá đi lên.

Từ bài học của Singapore, Bình Dương đã sáng tạo và mở rộng hơn mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, nhằm kiến tạo cả một đô thị công nghiệp với khả năng cung cấp các nền tảng xã hội. Qua đó một cách tự nhiên hình thành một cộng đồng dân cư công nghiệp đa văn hóa, mỗi thành phần sẽ giữ vai trò và có chỗ đứng riêng biệt trong chuỗi giá trị của nền kinh tế - xã hội đô thị này. Để thu hút nguồn lực về xây dựng và mở rộng mô hình phát triển này, Bình Dương xây dựng “Chiến lược ngoại giao liên thành phố”, với phương châm chính quyền khai mở các mối quan hệ quốc tế, các doanh nghiệp tiên phong thu hút. “Chiến lược ngoại giao liên thành phố” của Bình Dương đã và vẫn mang đến nhiều thành quả lớn cho tỉnh, giúp Bình Dương luôn có một cái nhìn sâu rộng trên mặt bằng tổng thể trong nước và quốc tế, tự tin vững bước với phương châm: Tỉnh táo, chân thành, khiêm cung.

Để phù hợp với những yêu cầu mới, tìm kiếm động lực mới, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới - mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, xanh, bền vững. Tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.

Với mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã đưa Bình Dương phát triển vượt bậc, trở thành vùng đất có thu nhập trung bình cao, đồng nghĩa với việc có nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình đầu tiên tại Việt Nam. Theo ông Mai Hùng Dũng, bài toán vượt qua bẫy thu nhập trung bình không chỉ là giải quyết vấn đề phát triển về kinh tế, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Qua thực tế của tỉnh, đặc biệt từ kinh nghiệm phát triển, để Bình Dương có thể vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình” cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Cụ thể, xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả, xây dựng một xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững, xây dựng một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo.

Hiệu quả chuyển đổi số

Tham luận về chủ đề “Chuyển đổi số, công cụ giúp cộng đồng vượt qua đại dịch” tại Bình Dương, TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển công nghệ thông tin Becamex IDC, cho biết sau 25 năm xây dựng và phát triển, với hạ tầng có sẵn, Bình Dương đã chuyển đổi rất nhanh. Bình Dương không chỉ phát triển dựa trên khu công nghiệp mà cả xã hội, nhà đầu tư có thể tìm thấy lực lượng công nhân, nhân lực từ nông nghiệp chuyển sang dịch vụ. Bình Dương chỉ có 2 tuần để dựng các bệnh viện dã chiến bởi nếu không bảo vệ được công nhân sẽ không thể giữ chân họ lâu dài. Tất cả các cơ sở từ doanh nghiệp đều được trưng dụng, thậm chí Trung tâm WTC Bình Dương cũng dùng làm bệnh viện dã chiến. Công nghệ là một khía cạnh của cuộc sống, con người làm trung tâm.

Ông Sami Ahmed, Tổng Giám đốc Star up Bangladesh, chia sẻ việc phát triển công nghệ đã giúp Banladesh mở rộng hệ thống di dộng, phát triển mạng lưới công nghệ thông tin, những khu công nghiệp công nghệ cao, tạo mức tăng trưởng, thu nhập cao. Tham luận về chủ đề “Mô hình phát triển thành phố thông minh Đài Loan”, bà Maggie Chao, Phó Giám đốc bộ phận ITRI Đài Loan, cho biết hiện Đài Loan đã có hơn 200 giải pháp đã được thử nghịệm trên toàn Đài Loan và xuất khẩu ra thế giới. Đài Loan đã làm việc với ICF và được hỗ trợ nhiều phương hướng phát triển. Mục tiêu của Đài Loan là tận dụng công nghệ nâng cao chất lượng sống, thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số, đối thoại nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển.

Kết luận hội thảo, ông Peter Portheine, Giám đốc EIPO - Hà Lan, điều phối viên hội thảo nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, công nghệ trong sự tăng trưởng và phát triển như sự dụng và phát triển băng thông rộng, sự tích hợp kỹ thuật số để kết nối nông thôn và thành thị…

Kế hoạch phát triển mô hình mới của Bình Dương
Giai đoạn một: Xây dựng mới và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data… để giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả. Giai đoạn hai: Phát triển các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ