Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Cầm tờ giấy báo chi phí mổ tim trên 70,5 triệu đồng, vợ chồng anh Hồ Thanh Dũng - chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo bủn rủn cả tay chân. Số tiền lớn như thế này, anh chị lấy đâu ra khi cái ăn hàng ngày còn thiếu thốn. Trong khi đó, ngày hạn cuối mổ tim cho anh đã đến gần…
Ngày 24-4-2012, anh Dũng quyết định đón xe lên Viện tim TP.HCM khám để xem sức khỏe, bệnh tình diễn biến thế nào mà “dạo này cứ ngất lên xỉu xuống hoài”. Biết mình có bệnh trong người từ trước nhưng vì nhà nghèo nên anh Dũng và vợ chưa dám nghĩ việc đi mổ tim. Thế nên, khi bác sĩ báo với anh chị về chuẩn bị kinh phí để mổ tim cho anh thì hai vợ chồng hết sức lo lắng. Hơn 70,5 triệu đồng chi phí mổ tim đối với anh chị quả là quá lớn, ngoài khả năng. Trong khi đó, bác sĩ cho biết, với tình trạng sức khỏe của anh như vậy thì phải nhập viện để mổ tim trong vòng 6 tháng sau khi nhận giấy báo, nếu không sức khỏe sẽ khó lường trước. Đến nay, đã gần thời hạn 6 tháng nhưng anh chị vẫn chưa dành dụm được đồng nào. Anh Dũng bộc bạch: “Bác sĩ khám bảo tôi phải mổ tim mới mong khỏe lại. Nhưng mấy năm nay tôi có đi làm được gì đâu, chỉ có mình vợ tôi đi cạo mủ thuê thì chỉ đủ ăn cho cả nhà, lấy đâu ra số tiền lớn như thế cho tôi làm phẫu thuật…”
Phải mổ tim anh Dũng mới mong khỏe lại phụ giúp vợ con.
Từ nhỏ, anh Dũng đã bị bệnh hở van tim nhưng ba mẹ cũng nghèo khó nên anh phải sống chung với bệnh từ đó đến nay. Sau khi lấy vợ, vợ chồng đều đi cạo mủ cao su thuê cho người ta, rồi 2 đứa con lần lượt ra đời nên chi phí sinh hoạt cho cả nhà càng tăng lên. Biết rằng, nếu không chữa trị thì bệnh sẽ càng ngày càng nặng thêm, nhưng cái ăn hàng ngày còn phải chạy bữa thì lấy đâu ra kinh phí cho anh nhập viện. Anh Dũng cho biết: “Nhiều hôm đang đi cạo mủ tôi ngất giữa chừng. Ngất hoài như thế nên chủ không thuê nữa”. 2 năm trở lại đây, bệnh trở nặng nên anh không còn phụ giúp cho vợ được gì. Chị Phượng cho biết, hồi trước, 2 vợ chồng đi cạo mủ một ngày kiếm hơn 200 ngàn đồng. Nhưng khi anh bệnh nặng, chỉ mình chị đi cạo nên tiền thu nhập cũng ít đi một nữa. Mọi chi phí sinh hoạt cho cả nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào việc cạo mủ thuê của chị. Ngoài cái ăn hàng ngày còn phải lo tiền thuốc thang cho anh, tiền mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho đứa con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh mới mổ cách nay khoảng một năm, rồi tiền đi học cho đứa con đầu. Chỉ tính riêng tiền thuốc cho anh hàng tháng đã ngốn hết 2,5-3 triệu đồng. Chị Phượng nói: “Ba mẹ, anh chị em 2 bên đều nghèo nên cũng không phụ giúp được gì. Bà nội hiện cũng bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Còn ông bà ngoại trên dưới 60 tuổi nhưng còn đi làm mướn. Vậy nhưng, lâu lâu thấy 2 đứa con tôi tội nghiệp cũng cho thêm tiền mua sữa bồi dưỡng cho cháu nhỏ, cho tiền để tôi đóng tiền nhập học cho bé…”Để có tiền lo cho chồng con, 11-12 giờ đêm chị Phượng đã phải lục đục dậy để chuẩn bị đồ đạc đi cạo mủ. Chị tâm sự: “Người ta 2-3 giờ sáng mới đi cạo. Còn tôi phải đi sớm hơn mới cạo đủ năng suất để có tiền lo cho cả gia đình. Có đêm tôi chưa kịp ngủ đã phải trở dậy đi làm. Từ ngày bệnh trở nặng, anh Dũng rất khó ngủ. Có đêm anh chỉ ngủ được 1 tiếng đồng hồ, rồi dậy đi đi lại lại ngoài sân. Anh nói nằm khó thở nên dậy đi lại cho dễ thở. Mỗi lần như thế tôi cũng không ngủ được”. Đi cạo về tận nhà thì trời cũng đã sáng. Chị lại quay ra lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi đưa con đi học… “Người ta có điều kiện cho con học bán trú, còn tôi trưa phải đi rước con về. Tiền đó để phụ thêm lo thuốc cho chồng hàng tháng…”, vừa nói chị Phượng vừa đưa tay lên quệt hai dòng nước mắt.
Nhìn vợ vì mình, vì con mà phải làm lụng cực khổ như thế anh rất thương vợ. “Đáng lẽ mình phải làm chỗ dựa cho vợ con, nhưng vì bệnh tật nên nhiều năm qua vợ mình lại trở thành chỗ dựa cho tôi. Là chồng, nhiều khi nghĩ đến chuyện đó mình cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Sức khỏe của tôi giờ không làm được việc gì giúp vợ con cả. Tôi chỉ mong sao có tiền để mổ tim. Có như vậy, mới mong khỏe lại để đi làm việc kiếm tiền lo cho vợ con…”, giọng anh Dũng chùng xuống khi nói về mình. Hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ anh Dũng có đủ kinh phí mổ tim để anh sớm thực hiện được mong ước “là người đàn ông trụ cột chính” của gia đình nhỏ ấy. Hồng Thuận