Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
LTS: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, dẫn đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019), báo Bình Dương thực hiện loạt bài viết “Một lần đến Điện Biên” như một thông điệp ôn lại truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam. |
Bài 1: Những huyền thoại sống
Để tạo nên chiến công “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã phải đổ biết bao nhiêu sức người, sức của, bao nhiêu đau thương mất mát hy sinh. Và trải qua suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có biết bao nhiêu câu chuyện đã trở thành huyền thoại...
Chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Ty thồ được 320kg trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Người làm “bộc phá bánh chưng”
Trong hành trình về với Điện Biên, chúng tôi có dịp ghé thăm Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xứ nghệ là vùng đất sản sinh ra những anh hùng kiệt xuất. Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nghệ An có đến 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Đặng Đình Hồ, Trần Can, Đặng Quang Cầm, Nguyễn Thái Nhự, Phạm Minh Đức và Phan Tư - người làm “bộc phá bánh chưng” phá thác trên dòng sông Nậm Na phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà anh hùng Phan Tư ở huyện Yên Thành, từ TP.Vinh đi ngược ra phía Bắc, dọc trên Quốc lộ 1A, đến ngã ba Cầu Lồi thì rẽ trái, đi vào chục cây số nữa. Thông tin về ông Phan Tư với chúng tôi khi đó chỉ có vậy, điều này dường như là một dự báo về những khó khăn trong hành trình của chúng tôi. Thế nhưng, khi đến ngã ba Cầu Lồi, xuống xe hỏi thăm, chúng tôi đã được người dân “vẽ đường” cho một cách đơn giản, bởi ai cũng biết và kính trọng ông Phan Tư, người con anh hùng của quê hương xứ Nghệ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sông Nậm Na là tuyến đường thủy rất quan trọng để vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường. Trên sông có gần 100 ngọn thác, trong đó có 21 ngọn rất nguy hiểm, trải dài trên 120km. Khi đó, Trung đội 5 thuộc Đại đội 124 của ông Phan Tư được giao nhiệm vụ phá thác, khơi thông tuyến đường thủy này để rút ngắn thời gian vận chuyển lương thực, vũ khí. Nhiệm vụ phá thác rất gian nan, bởi không có bất cứ một phương tiện nào, ngoài đôi bàn tay và khối óc. Thời điểm phá thác cách Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc chưa lâu, dư âm của những ngày tết vẫn còn, trong ông Phan Tư bỗng lóe lên một suy nghĩ: Sao không gói bộc phá như gói bánh chưng để phá thác?! Nghĩ rồi nhìn quanh, ông Phan Tư thấy có rất nhiều lá chuối rừng, giang, mai, vầu... Ông bèn tức tốc cùng đồng đội hái lá, chặt giang, mai rọc ra làm lạt để gói bộc phá!
Sau khi thử nghiệm, ông Phan Tư đã dùng “bộc phá bánh chưng” để phá thác Hang, một ngọn thác nguy hiểm nhất trên dòng Nậm Na. Ông xung phong lặn xuống chân thác để chọn điểm nổ, sau đó ôm “bộc phá” đặt vào điểm cần phát nổ, một đồng đội ở trên cắm sào giúp ông làm điểm tựa, một đồng đội khác thì thực hiện việc châm ngòi nổ. Nhiệm vụ rất nguy hiểm vì thời gian thực hiện rất ngắn, từ khi lặn xuống, đồng đội ở trên châm ngòi nổ chỉ được phép diễn ra trong 40 giây, do dây cháy chậm khi đó rất hiếm. Khi xung phong nhận nhiệm vụ, ông Phan Tư biết rằng “mình có thể hy sinh” nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Khi các đồng đội ở trên (người cắm sào, người châm ngòi) đã bơi dạt ra, chỉ còn một mình ông dưới nước... Một tiếng nổ lớn vang lên, nước và đá bay tung tóe... Các đồng đội của ông Phan Tư đứng nghiêm trên bờ, ngả mũ, cúi đầu mặc niệm vì họ nghĩ rằng ông đã hy sinh. Nhưng may thay, ông Phan Tư chỉ bị ngạt thở do sức ép, nổi lên mặt nước và được đồng đội cấp cứu. Sáng kiến và lòng dũng cảm của ông sau đó được phổ biến ra toàn quân. Chỉ sau 2 tuần lễ, toàn bộ các ngọn thác trên sông Nậm Na đã được phá bỏ, giao thông toàn tuyến thông suốt, nhanh chóng đưa lương thực, vũ khí, đạn dược lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Nghe xong câu chuyện “bộc phá bánh chưng” của ông Phan Tư mà chúng tôi cứ ngỡ như là một huyền thoại. Và đó cũng là một lý do giải thích vì sao Đờ-cát-tơ-ri và đội quân ngông nghênh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi thất bại hoàn toàn rồi vẫn còn ngẩn ngơ chưa biết hết nguyên nhân. Đó cũng là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh, ý chí Việt Nam đã được hun đúc từ ngàn đời. Sức mạnh đó, ý chí đó, bất cứ khi nào Tổ quốc lâm nguy, sẽ bùng cháy lên mà không kẻ thù nào có thể dập tắt được.
“Vua vận tảichiến trường”
Rời xứ Nghệ “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, chúng tôi ngược theo Quốc lộ 1A, đến với Thanh Hóa để được tìm hiểu về “Vua vận tải chiến trường”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội quân xe thồ đã trở thành một biểu tượng kỳ diệu chưa từng có trong tất cả các cuộc chiến tranh nào trên thế giới. Trong cuốn “Trên Điện Biên Phủ” của tác giả J.Roy có viết: Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến đường giao thông và những đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy. Tướng Nava bị thua chính từ những chiếc xe đạp thồ, những kiện hàng oằn 200 đến 300kg đã được điều khiển bởi những con người ăn không no, ngủ không đủ giấc”!
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, xe tăng của phát xít Đức được coi là “Vua chiến trường”, là những cỗ máy mang đến sự hủy diệt, chết chóc. Còn ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, có biết bao nhiêu huyền thoại mà kẻ thù có nằm mơ cũng không thấy được, khiến chúng kinh ngạc đến tột độ. Và một trong những huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những chiếc xe đạp thồ. Vào chiến dịch, đội quân xe đạp thồ được huy động tối đa lên tới 20.000 chiếc, do lực lượng dân công hỏa tuyến điều khiển đã chiếm khoảng 1/3 trọng tải cần vận chuyển lên chiến trường. Mỗi xe thồ lúc đầu chỉ chở 100kg, sau đó nâng dần lên thành 200kg, rồi 300kg. Tại tỉnh Thanh Hóa, khi đó có đến 20.000 thanh niên xung phong, với gần 2.000 chiếc xe đạp thồ tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thanh Hóa cũng có nhiều tấm gương điển hình trong lực lượng dân công hỏa tuyến như chiến sĩ Hoàng Văn Duy vác bao gạo nặng 90kg; chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Ty thồ được 320kg...
Mặc dù đường vận chuyển lên chiến trường dài đến 500km, vừa xa xôi, vừa khó đi bởi đồi dốc cao vút, ngoằn ngoèo và vô cùng nguy hiểm trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù những chiếc xe đạp thồ chở hàng trăm kg lương thực, vũ khí, đạn dược vẫn tiến lên phía trước, như dòng sông Mã anh hùng chảy cuồn cuộn, dồn tài lực về chiến trường. Nhanh lên hỡi bạn xe thồ/ Đứng lên mọi trận vui mô nào bằng/ Qua rừng qua núi băng băng...
Khi chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ khi đó đã tính toán kỹ: Việt Minh không thể đánh lâu dài vì chiến trường cách rất xa hậu phương, không thể vận chuyển lương thực tiếp tế. Nếu một dân công Việt Minh đưa được 30kg gạo lên mặt trận, phải đi trong chặng đường hiểm trở kéo dài 500km, thì người mang vác đã phải dùng hết 24kg gạo... Nhưng họ đã nhầm và đánh giá quá thấp về con người Việt Nam. Họ cũng không hề biết rằng, Việt Minh đã có hàng vạn chiếc xe thồ - “Vua vận tải chiến trường” đã vào trận chiến. Và trớ trêu thay, sau này người Pháp mới nhận ra rằng, trong “binh chủng” xe đạp thồ ấy, có nhiều chiếc xe do chính họ sản xuất! Họ đã phải thốt lên rằng: “Than ôi! Máy bay của chúng ta đã thua đôi bồ và xe đạp thồ của dân công Việt Minh”, “Bất kể trong tình huống nào thì tướng Giáp cũng đã đánh thắng trong cuộc chiến tranh vận tải với những dân công...”.
...Và những cô gái, chàng trai mười tám, đôi mươi với tinh thần phơi phới bất chấp mưa bom bão đạn của quân thù: Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò, chị hát/ Dù bom đạn, xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... (trích thơ Tố Hữu) đã đi vào huyền thoại như thế...! (còn tiếp)
THÀNH SƠN-KIẾN GIANG