Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
* Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư
Theo Nghị định 37/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân, chủ thể có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư gồm có:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư Bộ Công an;
- Giám đốc Công an cấp tỉnh;
- Trưởng Công an cấp huyện;
- Trưởng Công an cấp xã.
Như vậy, đã bổ sung thẩm quyền cho Trưởng Công an cấp xã cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định 137/2015 được khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư.
Nghị định 37/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14-5-2021.
* Quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm
Đây là nội dung tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có hiệu lực từ ngày 15-5-2021, thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP.
Theo đó, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) được quy định như sau:
- Việc xử lý TSBĐ phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định 21/2021 và pháp luật liên quan.
Trường hợp TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác thì việc xử lý TSBĐ phải phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác và pháp luật có liên quan.
- Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý TSBĐ trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.
- Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó.
- Việc bên nhận bảo đảm xử lý TSBĐ để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.
L.T.PHƯƠNG