| 06-07-2024 | 09:42:37

Mua thuốc điều trị trên mạng xã hội: Coi chừng tiền mất, tật mang!

Với tâm lý nhanh gọn, tiện lợi, một số người dân lựa chọn mua thuốc điều trị, kê đơn trực tuyến, thông qua các trang mạng, sàn giao dịch điện tử. Theo các cơ quan chức năng, việc mua thuốc trên mạng rất nguy hiểm. Thuốc rao bán trên mạng là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và chưa được bất kỳ cơ quan nào chứng nhận, cấp phép.

Mua phải thuốc giả trên mạng

Bà T.T.K. ở TP.Thủ Dầu Một bị tăng huyết áp đã nhiều năm và thường xuyên phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một lần bà K. xem quảng cáo trên mạng xã hội thấy giới thiệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bán thuốc chữa bệnh cao huyết áp uống một liều là khỏi vĩnh viễn, bà K. tin tưởng liên hệ nhân viên đặt mua thuốc. Nhân viên bán hàng giới thiệu với bà K. là bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và tư vấn cho bà dùng thuốc. Vài ngày sau, bà K. nhận thuốc nhưng vỏ thuốc lại ghi trị bệnh tiểu đường. Liên hệ lại nhân viên bán hàng nhiều lần không được, bà K. gọi điện tới đường dây nóng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì phát hiện mình bị lừa, mua phải thuốc giả.

Người dân nên mua thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc, không nên mua qua mạng xã hội

Không chỉ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bị mạo danh mà ngay cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng bị những kẻ xấu lợi dụng hình ảnh tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiều lần đưa ra cảnh báo chiêu trò lợi dụng, giả danh nhân viên của bệnh viện để tư vấn bán thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Bệnh viện khẳng định đơn vị không cung cấp dịch vụ mua bán thuốc online hoặc qua điện thoại. Bệnh viện chỉ bán thuốc trực tiếp tại nhà thuốc nằm trong khuôn viên bệnh viện theo toa của bác sĩ.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.100 quầy thuốc, nhà thuốc, trong đó gần 70% nhà thuốc, quầy thuốc phải thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia. Hệ thống quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh luôn bảo đảm thuốc thiết yếu an toàn, hiệu quả cho người dân tại tuyến y tế cơ sở.

Thực tế một số người dân có tâm lý ngại đi khám hoặc tái khám tại các bệnh viện khi có vấn đề về sức khỏe. Họ tận dụng công nghệ, tìm hiểu triệu chứng sức khỏe bản thân rồi tự mua thuốc theo toa bác sĩ chỉ định từ lâu hoặc theo mách bảo của người khác. Chỉ cần vài lần nhấp chuột với thao tác đơn giản, ai cũng có thể tìm ra những hội nhóm cung cấp thực phẩm chức năng, thuốc trên mạng xã hội; từ thuốc điều trị bệnh thông thường đến thuốc đặc trị bệnh lý phức tạp như cơ - xương khớp, tim mạch, thần kinh, tiểu đường... Giá các loại thuốc thì “thượng vàng hạ cám”, từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Người dân có thể giao dịch trên mạng, nhân viên sẽ giao hàng tận nơi, kể cả thuốc điều trị buộc phải kê đơn của bác sĩ.

Cùng với thuốc tây, các loại thuốc y học cổ truyền cũng được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội. Người bệnh không cần phải gặp gỡ trực tiếp dược sĩ, cũng không cần bác sĩ bắt mạch, kê đơn, một số trang mạng xã hội vẫn sử dụng nhiều chiêu quảng cáo để thu hút khách đặt hàng.

Người dân cần mua trực tiếp tại nhà thuốc, quầy thuốc

Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và thuốc chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã, phường, thị trấn và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Luật Dược năm 2016 cũng quy định việc mua, bán thuốc phải được tiến hành tại nhà thuốc, quầy thuốc và theo đúng quy định của pháp luật. Khi quầy thuốc mở cửa, dược sĩ cần có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn cho người bệnh. Các loại thuốc bán phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc, quảng cáo thuốc. Hiện nay chưa có văn bản quy định các hình thức bán thuốc qua mạng.

Dự thảo Luật Dược sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội vừa qua cũng đề xuất không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác. Tuy nhiên, để điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, dự thảo Luật Dược cho phép các cơ sở đã được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống thì được phép kinh doanh thêm bằng phương thức thương mại điện tử. Phương thức này không áp dụng cho tất cả các loại thuốc mà chỉ được thực hiện với những thuốc không kê đơn. Đặc biệt, thuốc kê đơn không được quảng cáo, thuốc không kê đơn được quảng cáo nhưng đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp.

Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, không phải ai cũng có thể bán thuốc. Chia sẻ về việc mua thuốc điều trị, kê đơn trên các trang mạng xã hội, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết mua thuốc trên mạng, đặc biệt là thuốc điều trị, kê đơn có rất nhiều nguy hiểm, người mua không biết được trình độ của người bán, cơ sở bán cũng như điều kiện bảo quản thuốc. Đó là chưa kể tới tiềm ẩn nguy cơ thuốc bán qua mạng chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào chứng nhận, cấp phép nên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm về chất lượng.

“Người dân hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh, cần sử dụng thuốc và mua thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ. Người dân hãy trực tiếp đến các nhà thuốc có chứng nhận Thực hành tốt nhà thuốc (GPP) để mua thuốc nhằm bảo đảm thuốc được kiểm định, cấp phép lưu hành. Khi mua thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc GPP, người dân được dược sĩ tư vấn cách sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, bảo đảm sức khỏe”, ông Huỳnh Minh Chín nói.

KIM HÀ

Chia sẻ