Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
12 năm nay, Phạm Dũng thường dắt tay người mẹ 76 tuổi của mình đi du lịch khắp nơi từ châu Á sang châu Âu.
Trong nhiều vùng đất hai mẹ con đã đến: lần đặt chân đến núi Titlis thuộc dãy Uri Alps (Thụy Sĩ)
Anh chia sẻ do gia đình đã trải qua những tháng ngày cơ cực, nên khi có được cuộc sống dễ thở như hôm nay, anh muốn dành những gì tốt đẹp cho mẹ và gia đình.
Trong nước, anh chàng phóng viên Phạm Dũng đã dẫn mẹ đi gần hết các tỉnh thành.
Hạnh phúc khi thấy mẹ cười
Năm 2009, Dũng tốt nghiệp khoa xã hội học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), và năm 2011 là lần đầu tiên anh đưa mẹ - bà Nguyễn Thị Lan - đi du lịch mà lại xuất ngoại.
Do còn bỡ ngỡ nên anh đăng ký cho hai mẹ con theo tour du lịch Campuchia.
Kể từ đó, cứ 2-3 lần mỗi năm, anh lại cùng mẹ đi du lịch. Đến nay, hai mẹ con đã đi được khoảng 15 nước như Thái Lan, Brunei, Singapore, Malaysia, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Nepal, Sri Lanka, Hàn Quốc, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ…
Dũng quê ở Phan Thiết. Mẹ anh sinh sáu người con nhưng chỉ còn bốn người và Dũng là con út. Từ nhỏ, mẹ đã tần tảo một mình nuôi một bầy con. Gia đình nghèo tới mức nhà dột cũng không đủ tiền mua giấy dầu để sửa mái.
Nhà gần ga Phan Thiết nên mỗi ngày mẹ theo hàng xóm mạo hiểm nhảy tàu để bán từng miếng bánh, hộp cơm cho khách. Hồi còn nhỏ, Dũng cũng theo mẹ lang thang đi bán hàng rong ở ga tàu lửa ồn ào, bụi bặm.
Khi tốt nghiệp đại học, vốn là người thích lang thang đây đó, Dũng lại nghĩ đến hình ảnh người mẹ tảo tần ở quê. Vậy là dành dụm được chút tiền, anh rủ mẹ đi du lịch.
Ban đầu là những chuyến du lịch kinh phí khiêm tốn, chừng vài triệu. Sau đó có tiền hơn, anh lại lên kế hoạch cho những chuyến đi xa hơn, dài ngày hơn.
"Ai rồi cũng già đi. Phải ráng tranh thủ cho má biết đây biết đó. Có người nói đi với người già chán, tôi thì không thấy vậy. Đi với má tôi rất hạnh phúc, má tôi cũng vui vẻ và dường như khỏe ra.
Cứ trên từng nẻo đường đồng hành với nhau, má cười làm tôi vui lây và có thêm những năng lượng tích cực", Dũng nói.
Không bao giờ bỏ mẹ một mình
12 năm nắm tay mẹ đi khắp nơi đã cho Dũng một "bí kíp" chất lượng khi đi du lịch cùng người lớn tuổi. Sau một hai chuyến du lịch đầu tiên theo tour, những chuyến đi sau này Dũng mày mò tự đi hết.
Anh chia sẻ do người lớn tuổi sức khỏe hạn chế nên đi theo tour rất cực. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi, anh tìm kiếm đặt khách sạn gần trung tâm và các điểm du lịch để mẹ đỡ phải đi bộ vì bà bị đau khớp.
Các chuyến bay nước ngoài phải chọn giờ bay phù hợp với người lớn tuổi và bay thẳng cho mẹ đỡ mệt. Cũng phải canh thời tiết nơi du lịch sao không quá nóng hoặc quá lạnh, thường anh chọn đi vào mùa xuân hoặc mùa thu.
Mỗi chuyến du lịch hai mẹ con không ham đi nhiều, cứ thong thả, khỏe thì đi, mệt thì nghỉ. Trước khi đi, anh cũng cho mẹ kiểm tra sức khỏe, rồi chuẩn bị đầy đủ thuốc như thuốc khớp, huyết áp, tiêu hóa…
Lúc nào cũng kè kè bên mẹ nhưng anh luôn cẩn thận đưa mẹ giữ tờ giấy địa chỉ khách sạn, lỡ có đi đâu bị lạc cứ đưa thì người ta sẽ chở về tận nơi.
Dũng nhớ năm 2018, anh và mẹ du lịch tới Trung Quốc. Đến một địa điểm du lịch, do đường vào hơi xa, sợ mẹ đi không được nên anh dẫn mẹ tới ghế đá và nói mẹ ngồi chờ anh vào tham quan một lát sẽ ra. Vậy chớ vô chút thấy bất an, Dũng lại quay trở ra.
Từ xa, anh thấy mẹ mình khóc quá trời quá đất, du khách xúm quanh động viên, còn mẹ cứ hỏi con trai tui đâu và sợ lạc. Hình ảnh mẹ khóc làm Dũng đau lòng, từ đó về sau anh tự hứa không bao giờ bỏ mẹ một mình nữa.
Dũng cười cho biết cũng có vài điểm như châu Âu đi bộ hơi nhiều chút, mẹ mệt nên lẫy: "Bữa sau tui không đi nữa". Vậy chớ được thời gian, Dũng rủ mẹ lại quên giận và hăng hái đi tiếp. Mẹ anh di chuyển bằng phương tiện nào cũng ổn, không bị say tàu xe.
"Má thích đi chùa, thích khám phá ẩm thực. Đi tới đâu má cũng kêu chai bia uống thử coi có khác gì so với… bia Sài Gòn!" - Dũng hóm hỉnh nói.
Anh cũng tiết lộ trước mỗi chuyến du lịch anh hay tìm mua đồ mới để mẹ mặc đi chơi. Nhưng mua cho mẹ cực kỳ khó vì mẹ sợ tốn tiền và mai mốt đem về quê mặc sẽ… dị.
Bởi vậy, muốn mua đồ cho mẹ Dũng phải ra shop quần áo rỉ tai với cô bán hàng nhờ "nói vô" để mẹ chịu mua và bao giờ cũng phải nói hạ so với giá gốc ít nhất phân nửa.
Lần nào đi du lịch về mẹ cũng kêu Dũng rửa hình để buồn buồn mẹ lại lấy ra coi và cứ vậy tủm tỉm cười một mình!
Theo TTO