Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 30-4-1975, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã kết thúc trong thắng lợi vẻ vang, thu giang sơn về một mối. Góp công làm nên chiến thắng này, không chỉ có những chiến sĩ ngoài mặt trận, mà có cả sự đóng góp của những chiến sĩ thầm lặng. Có người dù không được kinh qua một trường lớp đào tạo nào nhưng khiến kẻ địch phải nghiêng mình kính phục. Họ chính là những tình báo hoạt động ngay trong lòng địch.
Ban Liên lạc Cựu chiến binh Phòng Tình báo Bộ tham mưu B2 tổ chức lễ họp mặt tại Bình Dương
Chuyện của ông Tư Cang với đồng đội
Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập ngành Tình báo quốc phòng Việt Nam (25.10.1945 - 25.10.2019), vừa qua tại Bình Dương, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Phòng Tình báo Bộ tham mưu B2 đã tổ chức lễ họp mặt đầy ấm cúng. Mấy mươi năm trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ tình báo năm xưa giờ tóc đã bạc, da đã nhăn. Có dịp gặp nhau, cảm xúc dâng trào, họ tay bắt mặt mừng cùng ôn lại những kỷ niệm một thời hoạt động tình báo với bao khó khăn, vất vả để chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và, họ cũng rơm rớm nước mắt khi nghĩ về những đồng đội đã mãi mãi đi xa.
Mở đầu cho buổi họp mặt đầy xúc động là phát biểu của đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63 - mạng lưới tình báo hậu thuẫn cho hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Ông cũng chính là nhân tố góp phần bảo vệ Sài Gòn còn nguyên vẹn trong ngày 30-4 năm ấy đã kể lại biết bao chuyện năm xưa hoạt động trong lòng địch, phải đấu trí với kẻ thù và nguy hiểm không kém gì ngoài mặt trận.
Các cựu tình báo năm xưa gặp nhau tay bắt mặt mừng
Năm nay đã bước sang tuổi 91, tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng đại tá Tư Cang còn minh mẫn và vẫn nhớ như in những năm tháng oanh liệt. Quê ông ở xã Long Phước, thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tham gia cách mạng từ năm 1946, không chỉ có vốn kiến thức sâu rộng, mà còn là người có nhiều tố chất phù hợp với hoạt động tình báo. Cuộc đời ông tham gia cách mạng, làm tình báo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ngày đó, để phục vụ cho hoạt động tình báo, đi sâu vào căn cứ địch, ông Tư Cang phải học đủ thứ nghề, từ chụp ảnh, lái xe, viết văn…
Năm 1966, ông Tư Cang bí mật thâm nhập vào nội đô Sài Gòn để trực tiếp chỉ huy mạng lưới tình báo của ta, trực tiếp lấy thông tin và giao nhiệm vụ cho các biệt động Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Vũ Ngọc Nhạ… Bằng vốn tiếng Anh, tiếng Pháp của mình, ông đã xin vào làm kế toán cho một văn phòng giữa trung tâm Sài Gòn. Lúc này, ông sống ở nhà bà Tám Thảo (biệt động ngầm đang làm thư ký, phiên dịch cho hải quân Mỹ) với danh nghĩa “anh họ ở quê” và làm anh em thân thiết với Phạm Xuân Ẩn (biệt động ngầm đang làm phóng viên một tờ báo lớn của Mỹ).
Đầu năm 1961, Cụm Tình báo quân sự H.63 (ban đầu có tên là A18) ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (tỉnh Tây Ninh) để phục vụ cho điệp viên nổi tiếng Hai Trung (tức Phạm Xuân Ẩn) được cách mạng cử đi nước ngoài học. Sau khi từ Mỹ trở về, Hai Trung hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài do Mười Nho (Nguyễn Nho Quý - cán bộ Cục Tình báo) trực tiếp chỉ đạo. Năm 1962, ông Mười Nho bị bệnh, không thể chỉ huy H.63. Vì thế, ông Tư Cang được lựa chọn lên thay thế. Cụm Tình báo H.63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nhất với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba... Vì thế, năm 1971, trước khi miền Nam được giải phóng, Cụm Tình báo H.63 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quân số toàn cụm có tất cả 45 người, trong quá trình hoạt động đã hy sinh 27 người, 13 người bị thương.
Ông Tư Cang đã cùng đồng đội của mình là các nhà biệt động tài ba Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo… xây dựng nên mạng lưới tình báo H.63 huyền thoại, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tá Tư Cang bùi ngùi, nói: “Điều khiến tôi nhớ nhất chính là những đồng đội đã ngã xuống. Cụm Tình báo H.63 anh hùng có tất cả 45 người thì 27 người đã hy sinh, để bảo vệ mạng lưới tình báo chiến lược, bảo vệ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, để Phạm Xuân Ẩn có thể hoàn thành nhiệm vụ và trở thành một “điệp viên hoàn hảo” như ngày nay”.
Giữ mãi phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”
Sau ngày đất nước thống nhất, Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2 còn tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Và hiện nay, dù đã lớn tuổi nhưng những tình báo năm xưa tiếp tục phát huy bản chất “bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường. Ban Liên lạc Cựu chiến binh Phòng Tình báo Bộ tham mưu B2 không chỉ là nơi họp mặt của các cựu tình báo năm xưa mà ở đó còn là tình đồng chí, đồng đội thương yêu, giúp đỡ nhau. Họ vận động những nhà hảo tâm xây nhà đồng đội, tặng quà cho đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Họ còn chạy ngược chạy xuôi tìm nguồn gạo, tiền, thuốc men cùng với các thầy thuốc... để vài tháng một lần đi về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi mà ngày xưa là căn cứ cách mạng để khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho bà con nghèo và các gia đình chính sách...
“Đó là công việc “đền ơn đáp nghĩa” theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Những việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa dân với quân, giữa dân với Đảng đúng theo lời dạy của Bác Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công!”, đại tá Tư Cang chia sẻ.
Nữ anh hùng Tám Thảo tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Nhung. Chuyện về bà khó có thể bắt đầu bằng hình ảnh nào khác ngoài một bức tranh về người con gái đẹp bước ra từ nhung lụa. Bởi bà là con một gia đình tư sản giàu có ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, bà Tám Thảo chẳng phải làm gì ngoài việc chỉ biết học, chơi và xem tiểu thuyết. Những câu chuyện về một lớp thanh niên trí thức cứ trăn trở tìm đường làm cách mạng lôi cuốn bà suốt một thời thiếu nữ để đến năm 1948, khi ấy mới 16 tuổi, bà Tám Thảo theo gia đình rời Sài Gòn về Vĩnh Long kháng chiến. Bà là niềm tự hào của lực lượng Tình báo quốc phòng Việt Nam. Một trong những chiến công xuất sắc của Tám Thảo là vận chuyển 24 cuốn phim Kodak từ nội thành ra Củ Chi vào năm 1961. Sau khi nhận tài liệu từ điệp viên Phạm Xuân Ẩn, bà Tám Thảo giấu kín trong giỏ, ăn mặc tươm tất trong vai tiểu thư đài các về quê ăn giỗ. Tám Thảo bắt xe đò ra Củ Chi, khi xe chạy tới địa phận Hóc Môn thì bị địch chặn lại, khám xét. Lúc này, Tám Thảo bình tĩnh, ứng biến mau lẹ trước tình huống nguy cấp. Khi bị yêu cầu xuống xe, Tám Thảo lại gần đứng bên tên chỉ huy, chủ động gợi chuyện khiến hắn không chú ý đến mình… Nhờ vậy, Tám Thảo đã bảo vệ an toàn tài liệu, đưa về căn cứ giao. Đây là những tài liệu hết sức quan trọng, giúp ta nắm được ý đồ, biện pháp thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” cũng như kế hoạch phối hợp của Mỹ với ngụy quyền đàn áp cách mạng miền Nam. |
THU THẢO