| 04-08-2016 | 07:04:31

Nạn nhân da cam cần sự chia sẻ của cộng đồng

 “Hướng tới kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961 - 10.8.2016), Bình Dương có nhiều hoạt động như truyền thông, tổ chức kỷ niệm, thăm hỏi và tặng quà nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)...”, ông Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/ Dioxin tỉnh đã cho biết.

 - Ông có thể cho biết sơ lược về ý nghĩa của ngày này?

- Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961- 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366kg dioxin xuống gần 26.000 xóm làng. Chất độc da cam đã làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Các bệnh phổ biến là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị tật bẩm sinh...

Hưởng ứng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh; từng bước giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam vượt lên khó khăn trong cuộc sống.

Đại diện Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh tặng quà cho nạn nhân Võ Công Nghiêm (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một)

- Thưa ông, kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Bình Dương có kế hoạch hoạt động như thế nào để chia sẻ gia đình và NNCĐDC?

- Được sự thống nhất của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Buổi lễ sẽ có 160 hội viên NNCĐDC trên địa bàn tỉnh tham dự. Chương trình diễn ra rất phong phú, đó là tặng quà cho các NNCĐDC, biểu diễn tiết mục văn nghệ; đồng thời khen thưởng cho những cán bộ làm công tác tận tụy với nạn nhân, nạn nhân vượt khó vươn lên, người trực tiếp, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân và giao lưu…

Ngoài ra, hội còn tổ chức đi thăm, tặng quà cho 3 nạn nhân và 3 gia đình nạn nhân (500.000 đồng/suất). Các cấp hội cơ sở cũng tham mưu chính quyền tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình các nạn nhân; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn tính chất độc hại và nguy hiểm của chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc “nói không với vũ khí hóa học”, tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các NNCĐDC /Dioxin Việt Nam, buộc các công ty sản xuất hóa chất Hoa Kỳ và nước Mỹ phải có trách nhiệm với các NNCĐDC ở Việt Nam và có trách nhiệm làm sạch môi trường sinh thái ở những nơi còn tồn đọng chất độc dioxin.

Đối với Bình Dương, những ngày qua, sở chủ trì phối hợp với hội mở đợt tuyên truyền sâu rộng về thảm họa da cam ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng; về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; về sự ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC trên địa bàn tỉnh cũng như sự nỗ lực vươn lên của nạn nhân…

- Ông vui lòng cho biết khái quát về kết quả hoạt động của hội thời gian qua, cũng như đời sống của NNCĐDC ở Bình Dương hiện nay?

- Bình Dương có hơn 5.000 NNCĐDC. Để chăm sóc nạn nhân toàn diện và chu đáo, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp cùng với các tổ chức Đoàn, Hội còn thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho NNCĐDC. Thời gian qua, các cấp hội đã vận động quyên góp được 2 tỷ đồng, trực tiếp giúp đỡ chăm sóc nạn nhân xây, sửa 8 căn nhà; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 300 nạn nhân. Dịp Tết Nguyên đán và ngày 10-8 hàng năm (Ngày vì NNCĐDC Việt Nam), Tỉnh hội phối hợp với các đơn vị tổ chức 12 đợt thăm, tặng quà cho các nạn nhân trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, từ các nguồn tài trợ, trợ cấp, hội cũng đã xây 2 căn nhà cho nạn nhân tại TX.Thuận An, huyện Dầu Tiếng trị giá 100 triệu đồng; trợ cấp tiền Tết Nguyên đán 400 triệu đồng.

Cùng với việc bảo đảm những hỗ trợ về kinh tế, văn hóa - xã hội, Bình Dương còn tập trung các chế độ về y tế, giáo dục cho NNCĐDC. Bình Dương có 3.324 người khuyết tật, NNCĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; 2.146 trẻ em khuyết tật, NNCĐDC được đi học, trong đó 407 trường hợp được học nghề với hình thức miễn giảm học phí. Ngoài ra, Tỉnh hội còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng…

NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo và đau khổ nhất trong những người đau khổ. Chính vì thế, để góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân, chia sẻ một phần nào để giúp đỡ cho họ, qua kết quả khảo sát thực tế, Tỉnh hội tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể trợ cấp hàng tháng cho những nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trợ cấp đào tạo nghề cho các cháu là NNCĐDC; đồng thời khảo sát thực tế về nhà ở của nạn nhân, để có kế hoạch vận động tài trợ xây dựng, sửa chữa, hỗ trợ giúp đỡ cho nạn nhân có khó khăn về nhà ở.

- Xin cảm ơn ông!

P.V (thực hiện)

Chia sẻ