| 06-02-2020 | 09:14:19

Nâng cao hiệu quả chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đang được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Kết quả bước đầu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng cư dân trên địa bàn tỉnh.

Người dân TP.Dĩ An tích cực tham gia chương trình thí điểm phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người dân về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Từ đó góp phần tăng tỷ lệ rác thải sau phân loại trên địa bàn.

Triển khai thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2018 được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 28-2-2017, Sở TN&MT - với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ quan trọng này - đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện được thuận lợi, hiệu quả.

Song song đó, sở đã tổ chức tập huấn, khảo sát và hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho Phòng TN&MT các địa phương Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một, cán bộ làm công tác môi trường cấp xã, các tổ chức hội, đoàn thể (những nơi tổ chức thí điểm phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn)… và 12 tổ chức thuộc quy mô cấp tỉnh.

Để việc triển khai phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn được đồng bộ, hiệu quả, sở còn phối hợp với Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương chuẩn bị nhân lực, phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, thu gom lưu giữ, tái chế chất thải; thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm thùng rác để hỗ trợ 12 tổ chức thuộc quy mô cấp tỉnh; thành lập Tổ giám sát phân loại rác tại nguồn quy mô cấp tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các đơn vị.

Đối với 12 tổ chức nằm trong chương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn thuộc quy mô cấp tỉnh, với sự kiểm tra, giám sát hướng dẫn của Sở TN&MT, các tổ chức này đã nhận thức và đầu tư kinh phí, bố trí nhân lực thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt theo quy định; ký hợp đồng với Chi nhánh Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt sau phân loại để xử lý, tái chế theo quy định.

Về phía Chi nhánh Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, đã đầu tư 2 xe thu gom rác thải với 2 màu khác nhau để thu gom riêng theo từng nhóm rác thải thực phẩm và rác thải còn lại theo quy định. Đồng thời, chi nhánh đã bố trí khu vực tiếp nhận rác thải sau phân loại để xử lý, tái chế tại khu xử lý rác thải rắn tập trung Nam Bình Dương.

Nhiều kết quả ấn tượng

Theo thống kê, từ ngày 15- 6-2018 đến 28-2-2019, đối với quy mô cấp tỉnh, tổng khối lượng chất thải hữu cơ được thu gom trên 3.580 tấn (409 chuyến xe), khối lượng chất thải còn lại được thu gom trên 335 tấn (171 chuyến xe). Đối với quy mô cấp huyện, riêng TX.Dĩ An (nay là TP.Dĩ An - khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, nơi thực hiện thí điểm) tổng khối lượng chất thải hữu cơ được thu gom trên 691 tấn, chất thải còn lại 261 tấn. Trong đó, hiệu quả phân loại chất thải được đánh giá cao, tỷ lệ thành phần hữu cơ trong xe thu gom rác thải hữu cơ chiếm tới 86% trong tổng số rác.

Theo đó, đã hình thành được mô hình và cách làm hay như địa bàn TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, từ đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đã được thu gom, xử lý ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thường xuyên của Sở TN&MT và Phòng TN&MT các huyện, thị, thành phố đã giúp các tổ chức, công nhân ngày càng nhận thức rõ được mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở TN&MT, để đạt được những kết quả nói trên, trước hết là được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, bên cạnh đó là sự phối hợp thực hiện tốt giữa Sở TN&MT và Phòng TN&MT các địa phương. Cùng với đó, lãnh đạo Phòng TN&MT các địa phương đã quan tâm và có một số sáng kiến, giải pháp hay. Từ kết quả thực hiện thí điểm, tỉnh đánh giá toàn diện chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cũng như xây dựng một quy trình hoàn chỉnh trong việc phân loại rác tại nguồn để áp dụng cho toàn tỉnh.

Qua 2 năm thực hiện chương trình thí điểm cho thấy, việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một nhiệm vụ mới được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nội dung này mặc dù được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường nhưng chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương nên quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Song, với sự nỗ lực, cố gắng của Sở TN&MT, Phòng TN&MT các địa phương nên công tác triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn bước đầu đã đạt được những kết quả tốt.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ