| 24-12-2019 | 09:06:11

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến – Bài 2

Bài 2: Khó khăn trong quản lý

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 452 nhà NCY, diện tích nuôi gần 91.000m2 với số lượng khoảng 491.000 con và sản lượng tổ chim thu hoạch khoảng 2 tấn/năm. Trong đó, các huyện Dầu Tiếng và Bàu Bàng có lượng nhà NCY nhiều nhất và không ngừng tăng theo từng năm.


Nhà nuôi chim yến ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng trong khu vực đông dân và không được UBND huyện chấp thuận chủ trương nuôi chim yến nhưng chính quyền địa phương lại gặp khó khăn trong công tác quản lý

Địa phương “lúng túng”!

Để quản lý hoạt động NCY, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22-7-2013 quy định tạm thời quản lý NCY (gọi tắt là Thông tư 35). Ngay sau khi có hiệu lực, Thông tư 35 đã cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc trước đây trong công tác quản lý lĩnh vực NCY. Đến nay, Thông tư 35 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên liên quan đến những quy định về quản lý hoạt động NCY. Việc triển khai Thông tư 35 đã cơ bản giúp cơ quan chức năng có kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trong hoạt động NCY. Thông tư 35 còn là văn bản pháp luật giúp cơ quan chức năng đánh giá được điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sơ chế, bảo quản tổ yến (trước đây chưa có) và thống kê được số lượng nhà NCY, kiểm tra đánh giá vệ sinh thú y các nhà NCY, góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động NCY, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm tổ yến, đẩy lùi sản phẩm yến giả, kém chất lượng trên thị trường.

Thực tế, nghề NCY có khối lượng kiến thức khoa học rất phong phú và không ngừng được cải tiến, nâng cao trong những năm qua. Tuy nhiên, về công tác quy hoạch lại chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở NCY, đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác quy hoạch. Hậu quả là đang có rất nhiều cơ sở NCY nằm xen lẫn trong khu dân cư, không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị. Trong khi đó, theo Quyết định số 2655/QĐ- BNN-PC ngày 29-6-2016 của Bộ NN&PTNT đã bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 35. Đây là hai điều rất quan trọng liên quan đến điều kiện ban đầu cơ sở NCY. Vì vậy khiến chính quyền địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác cấp phép, quản lý và kiểm tra hoạt động NCY tại địa phương.

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Võ Trung Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Trong quá trình áp dụng Thông tư 35, địa phương đã thấy được một số bất cập và không còn phù hợp với tình hình hoạt động NCY trên địa bàn như hiện nay. Cụ thể, trước khi NCY, người dân chỉ cần đến Phòng Kinh tế để khai báo. Đồng thời, Thông tư 35 cũng không hướng dẫn chi tiết thủ tục, quy trình cấp phép xây dựng nhà NCY. Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 10 của Luật Đất đai năm 2013 quy định đất nông nghiệp khác gồm đất để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ vào mục đích trồng trọt, kể cả hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép... Trong khi đó, công trình nhà NCY là công trình kiên cố, không phải công trình tạm nên không phù hợp với Luật Đất đai năm 2013. Vì theo Luật Đất đai năm 2013, công trình nhà kiên cố phải được xây dựng trên đất ở”.

Theo ông Nghĩa, chính vì điều này mà nhiều người dân “lách luật” bằng cách xin phép xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, người dân không vội làm phần cửa nhà nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì người dân cho biết sẽ làm phần cửa sau. Nhưng khi gần hoàn thiện phần thô thì phần cửa bị người dân xây lấp luôn rồi sử dụng vào mục đích NCY, khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý những trường hợp cải tạo, cơi nới nhà đang ở thành nhà NCY một phần. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động NCY. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời và chưa giải quyết được “bài toán” cấp phép, quản lý, kiểm tra và xử lý nhà NCY trên địa bàn huyện Dầu Tiếng.

Thiếu một quy định cụ thể!

Trên cơ sở Thông tư 35 và các văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh đã có Công văn số 4642 ngày 2-10-2018 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động NCY (gọi tắt là Quyết định 4642). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động NCY. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương tổ chức, hướng dẫn, tập huấn cho tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động NCY; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định, đặc biệt là trong công tác vệ sinh thú y; phòng, chống dịch bệnh, khai thác và sơ chế tổ yến.

Đối với UBND các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động NCY; rà soát quy hoạch, có ý kiến bằng văn bản đối với vị trí xây dựng mới cơ sở NCY; tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm các công trình xây dựng cơ sở NCY không bảo đảm quy định.

Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 4642 đã kịp thời chấn chỉnh hoạt động NCY trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chưa hướng dẫn chi tiết quy trình cấp phép, kiểm tra, xử lý các cơ sở NCY vi phạm.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Hoạt động NCY đang chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… Nhưng khó khăn hiện nay là không có một quy trình chung, thống nhất chung để hướng dẫn cho người dân NCY. Trước đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 35 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa cụ thể về việc cấp phép xây dựng và quy hoạch địa điểm”.

Theo ông Cường, hiện nay tại Bình Dương việc cấp phép nuôi yến dựa vào khoảng cách nhà yến so với nhà dân theo quy định về bảo vệ môi trường; địa điểm phải được chính quyền địa phương chấp thuận; xây công trình nhà yến phải được cấp phép vì tính chất an toàn công trình… Trong khi đa số các nhà NCY trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo hình thức nhà ở sinh hoạt ở dưới và NCY ở tầng trên. Trên thực tế, nhiều nhà dân NCY tìm cách “lách luật” bằng cách xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng nhà xây xong thì sử dụng máy phát dẫn dụ chim yến vào gây nuôi. Tuy nhiên, việc tự ý xây dựng nhà NCY trong khu dân cư hoặc cải tạo, cơi nới, chuyển đổi công năng nhà ở thành nhà NCY còn nhiều bất cập trong quản lý. Hơn nữa, chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý chim yến trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trình độ, nghiệp vụ của cán bộ quản lý lĩnh vực này ở các cấp còn hạn chế, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn quản lý chim yến. (Còn tiếp)

Theo tìm hiểu của P.V, hầu hết các cơ sở NCY trên địa bàn tỉnh đều không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. Việc xử lý chất thải từ hoạt động NCY vẫn chưa bảo đảm, thậm chí một số hộ còn bán phân yến cho hộ NCY mới nhằm dẫn dụ chim yến, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh những hộ sử dụng máy phát dẫn dụ chim yến đúng quy định thì nhìn chung vẫn còn nhiều hộ NCY không chấp hành, Trong khi đó, để phát hiện và xử lý hành vi tiếng ồn vượt quá quy định thì không phải dễ và gặp nhiều khó khăn vì thiếu phương tiện.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ