| 27-06-2021 | 12:38:17

Nâng cao hiệu quả phòng, chống Covid-19 trong doanh nghiệp

(BDO) Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của nhiều công nhân lao (CNLĐ) động trên địa bàn tỉnh tỉnh Bình Dương. Trước tình hình này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các cấp công đoàn nhanh chóng phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, tính đến ngày 24-6 toàn tỉnh có trên 14.000 công nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 đang phải nghỉ việc. Trong số này có gần 100 công nhân F0 đang điều trị, trên 800 công nhân F1 đang cách ly tập trung, gần 4.000 công nhân F2 đang cách ly tại nhà và gần 10.000 công nhân trong các khu phong tỏa cách ly y tế.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh (PCDB), chăm lo kịp thời cho người lao động (NLĐ). Theo đó, các cấp công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNLĐ thực hiện nghiêm các quy định về công tác PCDB; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, áp dụng thông điệp 5K và thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế là khi tiếp xúc với người khác “hãy xe họ như F0” để bảo đảm phòng dịch Covid-19.

Cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên và NLĐ động đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau, cùng quyết tâm đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLĐ vận động gia đình, người thân tuân thủ nghiêm các biện pháp an toàn trong PCDB, nhất là ở những khu vực cách ly, phong tỏa; không phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dự luận, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác PCDB.

Cán bộ công đoàn chuyên trách phát huy hết vai trò, năng lực, hỗ trợ tối đa cho cơ sở với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tập trung chăm lo cho CNLĐ đang phải nghỉ việc để thực hiện việc cách ly y tế và ở những nơi phong tỏa, nhất là những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, nữ mang thai, nuôi con nhỏ...

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp đối với đoàn viên, CNLĐ theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19-5-2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hướng dẫn số 08/HD-LĐLĐ ngày 22-6-2021 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh. Chủ động lên phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp khi cán bộ công đoàn, nhất là đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở phải thực hiện cách ly nhằm bảo đảm hoạt động công đoàn cơ sở luôn được thông suốt.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh cũng yêu cầu các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động liên hệ với địa phương để được cung cấp các văn bản, quyết định phong tỏa, thông tin về nơi ở của NLĐ (Công đoàn ngành và tương đương chủ động phối hợp Liên đoàn Lao động cấp huyện để được hỗ trợ) nhằm bảo đảm quy định về thủ tục giúp đoàn viên, NLĐ hưởng các chế độ, chính sách của công ty, Nhà nước và tổ chức công đoàn.

Công đoàn cơ sở cần phối hợp tốt với doanh nghiệp

Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong việc thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tại doanh nghiệp và các tổ an toàn Covid tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Chủ động phối hợp xây dựng kịch bản và tình huống giả định cho lực lượng tham gia Ban chỉ đạo, tổ an toàn covid tại doanh nghiệp theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về việc ban hành “hướng dẫn phòng, chống và đánh gia nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho NLĐ”.

 Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đến các khu cách ly tập trung thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động

Ban Chấp hành cơ sở cần tổng hợp, báo cáo số lượng, đội an toàn Covid tại doanh nghiệp, số thành viên tham gia về công đoàn cấp trên và Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh của địa phương để theo dõi kịp thời, hỗ trợ nghiệp vụ.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lâu dài và hiệu quả, Công đoàn cơ sở cần làm ngay việc phối hợp với doanh nghiệp, cập nhật danh sách NLĐ tại doanh nghiệp để áp dụng trong trường hợp truy vết hoặc chi trả các chế độ, chính sách theo quy định cũng như thuận lợi trong việc tiêm vắc xin trong thời gian tới. Công đoàn cơ sở cần phối hợp với doanh nghiệp hướng dẫn và giám sát việc đưa đón công nhân theo đúng khuyến cáo của ngành y tế, không thay đổi xe đưa rước công nhân nhằm bảo đảm không phát tán dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải đề xuất doanh nghiệp xây dựng, thiết kế, lắp đặt vách ngăn tại các khu làm việc, khu nhà ăn, nghỉ ngơi; trang bị cơ sở vật chất bảo đảm công tác phòng dịch như: Máy thiết bị đo thân nhiệt, máy sát khuẩn, vách ngăn, nước khử khuẩn.

Những doanh nghiệp đủ điều kiện có thể xây dựng phương án theo hướng cho CNLĐ làm việc và ở tại doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở kịp thời nắm bắt, phản hồi lên công đoàn cấp trên đối với những doanh nghiệp không áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Công đoàn cấp trên có trách nhiệm báo cáo về Liên đoàn Lao động tỉnh, đồng thời báo cáo cho Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid -19 cấp huyện để phối hợp với các ngành chức năng giải quyết.

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đề nghị Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở kịp thời biểu dương, khen thưởng theo thẩm quyền (hình thức khen thưởng chuyên đề, được quyết toán vào nội dung chi phong trào); đề xuất Liên đoàn Lao động tỉnh xét khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt tiêu biểu, xuất sắc, có tầm ảnh hưởng rộng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Quang Tám

Chia sẻ