| 15-06-2021 | 08:29:14

Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng khoáng sản

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực. Trong đó, việc tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn cho cán bộ địa phương, thực hiện các chuyến tuần tra tới khu vực mỏ khoáng sản… được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

 Cán bộ Sở TN&MT kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

 Trữ lượng dồi dào

Theo báo cáo mới đây của Sở TN&MT, trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, phong phú chủng loại. Cụ thể, nhóm khoáng sản được sử dụng làm vật liệu xây dựng có trữ lượng khá lớn và phân bố đều dọc lưu vực bốn con sông lớn (Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Tính, sông Bé). Theo kết quả điều tra, với 27 điểm mỏ sét đã được thăm dò, tổng trữ lượng sét gạch ngói đạt khoảng 37,161 triệu m3. Nhóm tài nguyên khoáng sản đá xây dựng với sự phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh từ Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và TP.Dĩ An cũng có trữ lượng khá lớn, ước khoảng 964,386 triệu m3 chưa khai thác. Đây là nguồn tài nguyên lớn đáp ứng đủ đầy nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho Bình Dương.

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất khi nói rằng nhóm khoáng sản sét gạch ngói và đá xây dựng ở Bình Dương dồi dào về trữ lượng và phong phú về mẫu mã, chủng loại là việc khai thác nhóm khoáng sản này trở nên khá thịnh hành trên địa bàn tỉnh trong nhiều thập niên qua. Những cái tên nhiều người biết đến là khu hồ đá ở làng Đại học Quốc gia, làng lò gạch ở phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, mỏ đá Tân Đông Hiệp... Ở khu vực phía Bắc của tỉnh, làng nghề làm lò gạch ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng cũng phát triển không kém.

Ngoài hai nhóm khoáng sản nói trên, các nhóm khoáng sản khác như cát xây dựng, laterit, đất san lấp… cũng được xác định có trữ lượng khá phong phú trên địa bàn tỉnh. Đối với nhóm khoáng sản laterit, đất san lấp, dù trữ lượng khá dồi dào nhưng do phân bố rộng khắp theo hướng hình thành các cụm mỏ nhỏ, không đủ tiềm năng để các doanh nghiệp đầu tư khai thác theo hướng hiện đại. Riêng đối với nhóm khoáng sản cát xây dựng, do dự báo những nguy cơ gây sạt lở, ngập úng ở khu vực có mỏ tài nguyên nên thời gian qua tỉnh đã quy hoạch phần lớn những khu vực có chứa nhóm khoáng sản này vào vùng tạm cấm khai thác.

Tăng cường quản lý

Với tinh thần tuân thủ nghiêm chỉ thị của Thủ tướng và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về hoạt động quản lý khoáng sản, Sở TN&MT đã tăng cường công tác quản lý. Trong đó, một trong những hoạt động thiết thực là ban hành các văn bản, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Riêng trong năm 2020, Sở TN&MT đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, tỉnh cũng chỉ đạo ngành TN&MT tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, thăm dò trữ lượng và chủng loại để sớm có kế hoạch quản lý. Thông qua việc nắm rõ trữ lượng tài nguyên khoáng sản, tỉnh cũng sớm có phương án chỉ đạo về việc cho phép khai thác hoặc quy hoạch vùng tạm cấm khai thác để bảo đảm không ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích khoảng 9.575,5ha và 4,5km chiều dài sông hồ. Trong đó, hai khu vực tạm cấm khai thác trên diện rộng với tổng chiều dài 162km là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Để bảo đảm việc khai thác, sử dụng khoáng sản phục vụ tốt cho sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, việc tìm và lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực, làm ăn chân chính cũng được chú trọng thực hiện. Theo đó, hàng năm tỉnh đều có những cuộc họp đánh giá và thường xuyên thanh tra, kiểm tra khu vực mỏ khoáng sản.

 Thống kê từ Sở TN &MT cho biết, trong giai đoạn 2015-2019, tổng nguồn thu đóng vào ngân sách tỉnh từ hoạt động khoáng sản l à 3.358 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên 888,43 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường 228,23 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 825,58 tỷ đồng, VAT là 797 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là 618,76 tỷ đồng.

 ĐÌNH THẮNG  

Chia sẻ