Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngoài đầu tư trang thiết bị giảng dạy, các xưởng thực tập hiện đại, các trường trung cấp, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn yêu cầu giáo viên bám sát thực tế các dây chuyền sản xuất tại các nhà máy, qua đó đào tạo học viên chuẩn tay nghề sau ngày tốt nghiệp. Để làm tốt công tác này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hội thi, hội giảng, nâng cao tay nghề cho giáo viên GDNN.
Những năm gần đây, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore không ngừng đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Tăng cường đưa giáo viên đi cơ sở
Mới đây, tại Hội giảng Nhà giáo GDNN năm 2024, đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cho biết bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, các xưởng thực tập hiện đại, giáo viên của trường cũng phải đi xuống các nhà máy, dây chuyền sản xuất để nắm bắt, thực tập cùng với sinh viên.
Ông Nguyễn Thành Trí, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, cho biết đến nay trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Hiện trường có hơn 70% giáo viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành, đủ để bảo đảm chất lượng dạy và học. Trường có 9 khoa và 30 nghề đào tạo. Hàng năm, trường có hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp, khoảng 85 - 90% trong số này được nhà trường giới thiệu và bố trí việc làm đúng chuyên môn trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ giảng dạy cho giáo viên tại trường luôn đòi hỏi rất cao. Ông Nguyễn Thành Trí cho rằng “Dù trường có hàng chục xưởng cơ khí hiện đại để sinh viên và giáo viên thực tập mỗi ngày, tuy nhiên, chúng tôi vẫn yêu cầu cao hơn, đó là giáo viên phải có kiến thức thực tế tại các nhà máy đang hoạt động sản xuất. Trường đứng ra liên kết với với các doanh nghiệp lớn như Intel Việt Nam, On Semicon douctor, Masan group, Sabeco, Greystone, Mabuchi motor, CNC Tech... Hàng năm, đưa giáo viên, sinh viên xuống các doanh nghiệp thực tập. Cùng với đó, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường; việc tổ chức dự giờ được Ban giám hiệu thực hiện thường xuyên để đánh giá trình độ giảng dạy của giáo viên”.
Trong khi đó ông Trần Hùng Phong, Hiệu trường trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, cho biết trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho học viên luôn là mục tiêu chiến lược của trường. Trường đã và đang tập trung cho việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhằm đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động, có kỹ năng sát với thực tế sản xuất.
Dù được đánh giá là một trong những trường đào tạo nghề có cơ sở vật chất tốt nhất của tỉnh, trình độ giáo viên có bằng thạc sĩ chiếm gần 70%, nhưng yêu cầu của trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore vẫn là giảng dạy phải bám sát với nhu cầu thực tế. Qua đó, trường tổ chức đào tạo các lớp vừa học vừa làm cho nhiều doanh nghiệp, như: Công ty Nhựa ChinLi, Công ty TNHH Camso Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử thông minh TCL, Công ty TNHH Điện tự động Thuận Nhật, Công ty Cổ phần Thiết bị dầu khí Việt Mỹ... Kết quả đào tạo được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Trường cũng bảo đảm tất cả sinh viên đang theo học các lớp có việc làm với mức lương khá cao ngay sau khi tốt nghiệp.
Ông Trần Hùng Phong chia sẻ: “Khi giáo viên đi cơ sở, họ sẽ rút ra được kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, qua đó giảm dạy lý thuyết, tăng thực hành. Từng dây chuyền sản xuất có nguyên lý, kết cấu riêng biệt; khi soạn giáo án giảng dạy không mang tính chất chung chung mà phù hợp với thị trường lao động hiện nay”.
Học viên, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An luôn được thực hành trên thiết bị giáo dục hiện đại
Tạo “sân chơi”, nâng cao tay nghề
Toàn tỉnh hiện có 70 cơ sở GDNN, gồm 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN với 2.632 nhà giáo, cán bộ quản lý; mỗi năm đào tạo khoảng 30.000 học viên, sinh viên các ngành, nghề. Kết quả đào tạo nghề đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% (năm 2014) lên 83% (năm 2023); trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 19,5% (năm 2014) lên 32% (năm 2023).
Việc gắn kết “3 nhà” trong hoạt động GDNN bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Song song đó, để nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên GDNN, Sở LĐTB&XH phối hợp với các trường mở các hội thi, hội giảng để giáo viên cọ sát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Điển hình như hội thi thiết bị đào tạo tự làm được tổ chức 2 năm 1 lần đã ngày càng thu hút đội ngũ giáo viên tham gia, sáng tạo ra những máy móc phục vụ thiết yếu đời sống, sản xuất.
Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, đòi hỏi đội ngũ giáo viên GDNN phải áp dụng chuyển đổi số vào công tác giảng dạy, bám sát thực tế hoạt động sản xuất, gắn với trị trường lao động. Phải bảo đảm học viên sau tốt nghiệp là làm được việc, có việc ngay”. (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH) |
Hội giảng Nhà giáo GDNN năm 2024 thu hút 12 đơn vị cùng 48 giáo viên tham gia. Theo đánh giá của Ban tổ chức, hội giảng năm nay tăng cao về số đơn vị dự thi cũng như số giáo viên tham gia hội giảng. Các bài giảng phong phú về nội dung, đa dạng về ngành nghề, có sự tích cực trong đổi mới phương pháp, bài giảng theo hướng tích hợp, bám sát với mục tiêu, yêu cầu của Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng như yêu cầu thực tế từ các nhà máy, xí nghiệp trong hoạt động sản xuất.
Thầy Đỗ Việt Dũng, giáo viên ngành điện trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, cho rằng các hội thi, hội giảng đã tạo động lực cho giáo viên không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, vừa nâng cao tay nghề trong giảng dạy, vừa chế tạo ra những máy móc, hệ thống vận hành hữu ích. ..
Tham dự Hội giảng Nhà giáo GDNN năm 2024 mới đây, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, nhận định từ hội giảng đến hội thi thiết bị đào tạo cấp tỉnh, Sở LĐTB&XH đã chọn ra được những giáo viên xuất sắc tham dự các hội thi toàn quốc và đạt thành tích cao. “Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, đòi hỏi đội ngũ giáo viên GDNN phải áp dụng chuyển đổi số vào công tác giảng dạy, bám sát thực tế hoạt động sản xuất, gắn với thị trường lao động. Phải bảo đảm học viên sau tốt nghiệp là làm được việc, có việc ngay”, ông Phạm Văn Tuyên nói.
QUANG TÁM