| 09-12-2019 | 08:08:18

Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên - môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang thực hiện Dự án “Thành phố thông minh trong lĩnh vực TN&MT”. Đây là giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản lý về TN&MT, từng bước đưa sự tương tác của cộng đồng cùng chung tay quản lý TN&MT trên địa bàn tỉnh.

 Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động. Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

 Sự cần thiết của dự án

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100 nguồn thải được đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, 3 trạm quan trắc nước mặt tự động, 3 trạm quan trắc động thái nước dưới đất tự động và 8 trạm quan trắc khí thải tự động. Bên cạnh việc phát triển hệ thống quan trắc tự động, mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường định kỳ cũng được tỉnh thực hiện với 34 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, 14 điểm quan trắc chất lượng môi trường trầm tích đáy, 16 điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí, 26 điểm quan trắc chất lượng môi trường đất, 38 điểm quan trắc chất lượng, động thái nước dưới đất.

Với mạng lưới các điểm quan trắc môi trường phân bổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường, phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu quan trắc làm cơ sở để tỉnh thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và khoa học - công nghệ, phục vụ quá trình nghiên cứu, ứng dụng các mô hình quản lý, kỹ thuật của các trường, viện trong và ngoài tỉnh, cũng như đánh giá hiện trạng môi trường qua các giai đoạn phát triển của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước về TN&MT thời gian qua mặc dù đã được sở quan tâm đầu tư và nâng cấp, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu quản lý tổng thể của ngành trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Cụ thể như cơ sở dữ liệu chưa được số hóa hoàn toàn; chưa có sự liên thông giữa các đơn vị bằng một hệ thống tích hợp; hệ thống báo cáo thống kê chưa được tự động hóa hoàn toàn... Chính vì thế, Dự án “Thành phố thông minh trong lĩnh vực TN&MT” ra đời, đi vào thực tiễn góp phần giải quyết những khó khăn nói trên.

Sử dụng công cụ thông minh để quản lý môi trường

Tới đây, Sở TN&MT sẽ đầu tư xây dựng trung tâm điều hành chung, trong đó chủ yếu đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị và nâng cấp, cải tiến các phần mềm để ngoài việc tích hợp dữ liệu TN&MT, hiển thị thông tin hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất và giá đất, kết quả quan trắc và chất lượng môi trường tới cộng đồng mà còn tương tác với người dân về dữ liệu TN&MT. Bên cạnh đó, trung tâm có thể thực hiện được các yêu cầu mở rộng, kết nối và tích hợp với dữ liệu của một số ngành khác như xây dựng, giao thông - vận tải…

Trung tâm này cũng phù hợp và tương tác tốt với phần mềm quản lý đường dây nóng của tỉnh để tiếp nhận phản ánh của người dân về TN&MT thông qua hình thức trực tiếp từ người dân hoặc gián tiếp thông qua phần mềm của tỉnh. Việc đầu tư các hạng mục được triển khai cho trạm điều hành đang được vận hành tại Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai.

Cụ thể, tại Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí tự động, trạm quan trắc nước mặt tự động và trạm quan trắc động thái nước dưới đất tự động; tích hợp các dữ liệu quan trắc TN&MT để theo dõi, giám sát và chia sẻ dữ liệu bằng các ứng dụng thông minh (web, moblie) đến cộng đồng.

Tại Văn phòng Đăng ký đất đai, trang bị bổ sung thêm hệ thống máy chủ, bộ lưu trữ chuyên dùng, hệ thống máy trạm, thiết bị mạng để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện chuyển đổi dữ liệu địa chính; phát triển phần mềm và bảo trì phần mềm hệ thống thông tin đất đai trong quá trình vận hành khai thác sử dụng. Tại đây cũng nâng cấp phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch; xây dựng ứng dụng tra cứu trên thiết bị di động thông minh; duy trì bảo trì, cập nhật, nâng cấp hàng năm đối với phần mềm tra cứu thông tin giá đất.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ đầu tư lắp đặt trạm quan trắc không khí, nước mặt, nước thải dưới đất tự động nhằm giám sát, thu thập dữ liệu quan trắc về môi trường không khí xung quanh, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, đồng thời tính toán chỉ số chất lượng môi trường không khí, nước để thông tin kịp thời đến người dân. Ngành cũng đầu tư lắp đặt thí điểm nhà vệ sinh thông minh trên các tuyến đường chính của tỉnh, tại các khu vực đông dân cư như bến xe, công viên... để phục vụ nhu cầu vệ sinh của người dân, tuyên truyền vận động người dân đi vệ sinh đúng nơi quy định và tạo mỹ quan đô thị sạch đẹp...

Khi dự án nói trên hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đem lại hiệu quả to lớn về mặt xã hội. Các thông tin sẽ được lưu trữ đồng bộ thống nhất, bảo đảm tính trung thực, khách quan và thuận lợi cho việc sử dụng những dữ liệu về TN&MT, đồng thời đẩy mạnh khả năng chia sẻ, tương tác đối với cộng đồng trong việc chia sẻ dữ liệu, thông tin về chất lượng môi trường kịp thời đến cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư.

 Theo Sở TN&MT, việc đầu tư xây dựng hạ tầng, thiết bị và mạng lưới quan trắc tự động không khí xung quanh, quan trắc tự động chất lượng nước mặt, quan trắc động thái nước dưới đất tự động, chuyển đổi dữ liệu địa chính, cải tiến phương pháp thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu đến người dân thông qua các ứng dụng thông minh là việc làm cấp thiết phục vụ cho việc phát triển thành phố thông minh của tỉnh.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ