| 09-10-2023 | 08:25:04

Nâng chất thu hút dòng vốn đầu tư thế hệ mới

9 tháng năm 2023 dù vẫn còn khó khăn do những tác động đa chiều cả trong nước và quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không bằng cùng kỳ so với năm trước, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng rót thêm vốn vào Bình Dương. Hết quý III-2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của tỉnh đạt gần 1,3 tỷ đô la Mỹ, bằng 49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 70,7% so với chỉ tiêu đề ra.

Nắm bắt cơ hội

Hiện nay, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Đáng chú ý, thời gian gần đây Bình Dương đang dịch chuyển dần sang thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… đang chọn Bình Dương làm cứ điểm sản xuất.

Bình Dương ngày càng thu hút đầu tư được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-PAC Việt Nam (VSIP II, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: NGỌC THANH

Mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 10-2023, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương do ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại bang Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyến đi này nhằm cụ thể hóa việc thắt chặt mối quan hệ giữa 2 địa phương sau sự kiện ký kết Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bình Dương và chính quyền bang Nebraska diễn ra ngày 12-7 vừa qua.

Trong 9 tháng năm 2023, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, trong đó các nhà đầu tư từ Singapore dẫn đầu với 431,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 27,7% tổng vốn đăng ký; Hà Lan đứng thứ 2 với 321,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 20,7% tổng vốn đăng ký; Đan Mạch đứng thứ 3 với 163,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 10,5% tổng vốn đăng ký; tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông... Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) về thu hút FDI với 4.176 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 8,9% tổng vốn FDI cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,7 triệu đô la Mỹ.

Theo biên bản ghi nhớ, tỉnh Bình Dương và chính quyền bang Nebraska sẽ ưu tiên đẩy mạnh hợp tác về khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng. Hai bên cùng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Trong bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến khó lường, việc lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp sang các nước mời gọi đầu tư thể hiện tính chủ động, tiên phong, tiếp tục tập trung chú trọng công tác xúc tiến đầu tư trong tình hình mới bằng nhiều hình thức.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bì thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã góp phần đưa Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh. Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Tỉnh đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng, quảng bá hình ảnh Bình Dương vươn ra quốc tế.

Thu hút hiệu quả

Những hoạt động xúc tiến đầu tư năng động và hiệu quả đã góp phần thu hút ngày càng nhiều dự án FDI có chất lượng vào Bình Dương. Mặc dù còn gặp khó khăn, thách thức đến từ cả trong và ngoài nước thời gian qua, nhưng Bình Dương vẫn đạt được những dấu ấn quan trọng trong thu hút FDI. Lũy kế đến nay, với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư vào Bình Dương đạt hơn 40,2 tỷ đô la Mỹ.

Trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt gần 1,3 tỷ đô la Mỹ, bằng 49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 70,7% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 94 dự án mới với tổng vốn đầu tư 527,5 triệu đô la Mỹ; 28 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 128,3 triệu đô la Mỹ; 108 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 766,1 triệu đô la Mỹ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Takako Việt Nam

Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 73 dự án đầu tư đăng ký mới, 23 dự án điều chỉnh vốn, 69 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 839 triệu đô la Mỹ, chiếm 54,15% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 624,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 40,32% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 70,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 4,56% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI vẫn đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. 9 tháng năm 2023, dù vốn đăng ký mới có chiều hướng chậm lại, chưa có sự đột phá mới, nhưng vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Bình Dương vẫn tăng đều. Đặc biệt, ngày càng thêm nhiều dự án có quy mô lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Năm 2023, Bình Dương phấn đấu thu hút khoảng 1,8 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Tỉnh định hướng ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Với nỗ lực cao nhất trong công tác thu hút đầu tư, Bình Dương đang không ngừng đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để thúc đẩy thu hút các dự án lớn, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh tích cực.

NGỌC THANH

Chia sẻ