Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dù bị số phận lấy đi đôi mắt nhưng họ không thiếu bản lĩnh và nghị lực. Với những người khiếm thị như Bùi Văn Cảnh (ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng), ánh sáng không bao giờ khép lại khi bản thân họ biết vượt lên chính mình.
Bùi Văn Cảnh chia sẻ tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt Nam” do Hội LHTN huyện Bàu Bàng tổ chức
Ý chí, nghị lực
Trong căn phòng nhỏ của Hội Người mù (HNM) huyện Bàu Bàng, chúng tôi tìm gặp anh Bùi Văn Cảnh. Tiếp chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, anh nhanh nhẹn kéo chiếc ghế và lấy thêm chai nước suối mời khách để bắt đầu cuộc trò chuyện. Dường như biết chúng tôi đang tò mò quan sát những cử chỉ, hành động của mình, anh cười hiền, nói: “Những việc này tôi quen tay rồi. Dù không nhìn thấy nhưng tôi lại may mắn có được sức khỏe và cảm nhận nhạy bén với vạn vật xung quanh”. Được nghe tiếng cười giòn tan của anh, tôi bỗng thấy có một niềm tin, một niềm tin vững chắc vào cuộc sống. Bởi, người con trai đối diện tôi lúc này đã biết cách học tập để thay đổi, biến khiếm khuyết của mình thành sức mạnh và động lực sống; biết mỉm cười, sống và làm việc bằng thái độ tích cực, lạc quan nhất.
Cảnh sinh ra trong một gia đình có 3 chị em. Cảnh là con trai duy nhất trong nhà nhưng bị khiếm thị. Không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa, khi từ lúc chào đời, anh đã không được nhìn thấy ánh mặt trời, nhưng không vì vậy mà dập tắt đi khát vọng vươn lên của anh.
Bước ngoặt cuộc đời đổi thay hoàn toàn khi vừa lên 8 tuổi, Cảnh được các cô chú ở HNM tỉnh và địa phương đến vận động đi học tại tỉnh hội. Lớp học đã giúp Cảnh có thêm động lực trong học tập cũng như trong cuộc sống. Sau khi học hết chương trình tiểu học tại Tỉnh hội, Cảnh là một trong 4 học sinh đầu tiên được tiếp tục hòa nhập tại trường THCS Phú Hòa, PTTH Bến Cát bấy giờ. Cảnh được hội tạo điều kiện học vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin cho việc học. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo về công tác quản lý HNM, anh trở về công tác tại huyện Bàu Bàng; đến tháng 6-2019, anh được vinh dự được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch HNM huyện.
Cảnh chia sẻ: “Số phận không cho những người khiếm thị một đôi mắt sáng như bao người khác nhưng khi phải sống chung với bóng tối, thay vì sợ hãi, bế tắc, tuyệt vọng, những người khiếm thị lại làm cho cuộc đời sáng lên bằng chính tinh thần lạc quan và nghị lực của mình. Điều đó đã giúp những người khiếm thị vượt qua sự tăm tối của số phận, tìm được ánh sáng riêng cho cuộc đời mình”.
Từng có cơ hội chia sẻ với nhiều phạm nhân trong trại giam về nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống, anh Cảnh thường nói: “Tôi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không đồng nghĩa với việc mình thôi hy vọng, mất niềm tin vào bản thân mình. Mù như tôi, còn làm được nhiều việc, thì hà cớ gì những người lành lặn, khỏe mạnh như mọi người không làm được”. Câu nói này của anh, chắc hẳn sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của nhiều người, tiếp thêm sức mạnh, động viên các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên có thêm niềm tin và vượt qua mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng. Câu chuyện ít nhiều chạm đến trái tim và thay đổi nhận thức những phạm nhân qua ánh mắt chăm chú, tập trung theo dõi.
Không chỉ dừng lại ở đó, Cảnh thường xuyên được mời dự các chương trình chia sẻ về niềm tin trong cuộc sống, mà mới đây là chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt Nam” do Hội LHTN huyện Bàu Bàng tổ chức. Tại chương trình, hơn 300 bạn thanh niên đã có dịp giao lưu, đặt một số câu hỏi về nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống của anh Cảnh.
Cảnh giới thiệu cho phóng viên về chữ chữ braille |
“Nếu ngày mai bạn không nhìn thấy mặt trời, mọi mơ ước sẽ chìm trong bóng tối, mọi cánh cửa cuộc đời đều khép lại. Bạn có quyền được buồn, bạn cũng có thể khóc lóc nhưng xin đừng mất đi niềm vui sống và niềm hy vọng. Bởi những người mù như chúng tôi bây giờ luôn cảm thấy tự tin hòa nhập với cộng đồng, chúng tôi có thể làm nhiều việc như những người bình thường khác”, Bùi Văn Cảnh nhắn nhủ. |
“Không để bị lãng quên trong bóng tối…”
Đặc biệt, Bùi Văn Cảnh còn có năng khiếu về âm nhạc và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Anh thường xuyên biểu diễn tại các chương trình quyên góp vì người nghèo, đêm nhạc từ thiện, hay các cuộc thi hát dành cho người khiếm thị và đạt nhiều giải cao…
Trong cuộc trò chuyện hôm đó, Cảnh hát cho chúng tôi nghe bài hát “Khát vọng” mà anh từng hát trong một cuộc thi: “Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội/ Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao/Hãy sống như biển trào, như biển trào, để thấy bờ bến rộng/Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông…”.
Những âm thanh lúc trầm lúc bổng, lúc rộn ràng réo rắt, lúc lại lắng đọng thiết tha đã nâng bước tâm hồn Cảnh, cũng đã tiếp thêm niềm tin, truyền cảm hứng cho người nghe, là tôi. Để tôi biết trân quý hơn những giây phút tồn tại, biết hài lòng với cuộc sống, biết “đủ” để hạnh phúc…
Cảnh kể: “Có lần đi ăn, thấy tôi cầm điện thoại, mọi người trong quán tò mò nhìn theo rồi chỉ trỏ. Hành động này, tôi được người thân kể lại lúc về nhà. Tôi cũng chẳng buồn, nhưng tôi muốn khẳng định với mọi người rằng: “Người khiếm thị như chúng tôi bây giờ có thể làm được rất nhiều việc, kể cả đọc báo, xem điện thoại”.
Có lần, tôi liên hệ với Cảnh xin lịch hẹn phỏng vấn, cuộc trò chuyện vừa kết thúc chừng 10 phút, điện thoại tôi “ting ting” thông báo Zalo có lời mời kết bạn, tôi bất ngờ khi tên tài khoản Zalo là “Bùi Văn Cảnh”. Không khỏi tò mò, tôi được Cảnh trả lời: “Nhờ có điện thoại thông minh, nên những người mù như chúng tôi dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội, báo đài hơn đó chị. Điện thoại bây giờ có nhiều chức năng hay lắm, trong đó chức năng tìm kiếm bằng giọng nói là trợ thủ đắc lực của những người như chúng tôi”.
Như để chứng minh điều này, vừa nói, Cảnh vừa rút trong túi ra chiếc điện thoại, mở Báo Bình Dương cho chúng tôi xem. Đưa sát chiếc điện thoại vào tai, tay anh quẹt quẹt trên màn mình rồi nghe gì đó. Chiếc điện thoại phát ra âm thanh giống như những chiếc CD bị xước hay tua nhanh, chúng tôi cố gắng để nghe nhưng không nghe được gì. Hóa ra, anh mở cho chúng tôi nghe về những bài viết trong chuyên mục “Học tập và làm theo Bác”. Cảnh giải thích: “Do điện thoại tôi cài chế độ đọc nhanh nên có thể chị hơi khó nghe, đôi mắt không thể nhìn, nhưng bù lại đôi tai tôi nghe rất tốt. Việc nghe nhiều, nghe nhanh như vậy chúng tôi đã quen rồi”. Những ngón tay thoăn thoắt lướt trên bàn phím điện thoại. Thoạt nhìn, tôi cứ ngờ ngợ đó không phải người mà mình đã điện thoại hẹn trước…
Là người làm việc trong một tổ chức xã hội đặc thù, không chỉ cố gắng cho bản thân, mà Cảnh còn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, động viên họ vượt lên số phận, giúp đỡ hội viên tiếp cận tri thức, học nghề để cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
“Tôi luôn động viên hội viên, dù mình là người khuyết tật cũng không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ từ người khác, không để bị lãng quên trong bóng tối…”, Cảnh chia sẻ.
HUỲNH THỦY