| 02-08-2013 | 00:00:00

Nga khởi tố hình sự 8 nghi phạm bóc lột lao động Việt

1.200 lao động Việt Nam bị tạm giữ

Trong chiến dịch đặc biệt với sự tham gia của 900 cảnh sát, cơ quan chức năng Nga đã tạm giữ 1.400 lao động nước ngoài trong các xưởng may tại một khu chợ ở phía đông thủ đô Mátxcơva vào sáng sớm 31.7, trong đó có gần 1.200 người Việt Nam và còn lại là công dân Ai Cập, Morocco, Syria, Uzbekistan, Azerbaijan. Đây là một phần trong chiến dịch nhằm chống làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào Nga.

  Cảnh sát Nga kiểm tra thẻ nhân dạng của những người nhập cư trái phép

Theo thông báo, cảnh sát đã tìm thấy 20 xưởng sản xuất với hơn 800 chỗ làm việc riêng tại khu vực này. Xưởng may do một nhóm đối tượng gồm 4 người từ Iraq, Syria, Azerbaijan, Việt Nam và 4 người Nga, điều hành. Các nhà điều tra đã khởi tố hình sự 8 nghi phạm này với tội danh lập băng đảng tội phạm và tổ chức nhập cư trái phép, trong khi người lao động nhập cư trái phép sẽ bị trục xuất.

Hãng tin Pháp AFP cho biết, trong số những người bị tạm giữ có cả phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ. Cảnh sát Nga cho biết tìm thấy một phụ nữ trong tình trạng nguy kịch vì bị đâm bằng dao, nhưng không được chăm sóc y tế. Các lao động trên và gia đình họ sống và làm việc trong điều kiện rất mất vệ sinh. Họ thường xuyên phải ngủ trên sàn gỗ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam. Bộ Khẩn cấp Nga đã lập một lán trại đầy đủ điều kiện vệ sinh và bếp ăn dã chiến, cung cấp cháo, đồ ăn sẵn, nước và bánh bích quy cho 1.400 lao động trái phép bị tạm giữ trên – ông Viktor Biryukov – phát ngôn viên khu vực Mátxcơva của Bộ này nói với hãng Itar-Tass. Những người bị tạm giữ, bao gồm cả những phụ nữ mang thai, sẽ ở trong trại cho đến khi tòa án xem xét các trường hợp của họ.

Những xưởng may “đen”

Đây không phải là lần đầu tiên, cảnh sát Nga truy quét các xưởng may đen đang bóc lột lao động Việt Nam. Trong bài viết đầu tháng 7.2013, hãng thông tấn Nga RIA-Novosti cho biết cảnh sát Nga đã phát hiện mười xưởng may đen của người Việt Nam tại Mátxcơva - tức những cơ sở sản xuất không đăng ký và không có giấy phép lao động - kể từ đầu năm.

Hãng tin này cho biết, các công nhân phải sống ngay tại xưởng trong điều kiện mất vệ sinh, hoàn toàn coi thường các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy. Hồi tháng 6.2013, cảnh sát Nga đã lục soát khu chợ Cherkizov (chợ Vòm trước đây) ở Mátxcơva và bắt giữ 220 người, phần lớn là người Việt Nam, làm việc trong một xưởng may “đen” dưới lòng đất. Mùa thu năm 2012, hỏa hoạn tại một trong các xưởng may lậu ở Yegorievsk thuộc ngoại ô Matxcơva đã khiến cho 14 người Việt Nam thiệt mạng.

Theo đài BBC Tiếng Nga, các khu vực đông dân nhập cư và thị trường lao động trái phép tại Nga là nơi công an địa phương và các nhóm cảnh sát thường xuyên vây bắt, và cũng là nơi có nhiều dấu hiệu tham nhũng. Việc cảnh sát bắt giữ, kiểm tra giấy tờ, phạt tiền rồi lại thả ra để bắt lại lần sau đã thành “thông lệ” với nhiều sắc dân không phải người Nga. Trong phóng sự về các chuyến thăm tới ít nhất hai xưởng may lậu ở Mátxcơva, phóng viên hãng BBC cho biết hầu hết người lao động sang bằng visa du lịch và ở quá hạn để làm việc, nhiều khi quá tới vài năm. Thậm chí, người lao động nói họ bị coi như “nô lệ” và thậm chí bị “hành hung” khi không làm việc được vì ốm đau hoặc muốn về nước.

Hồi tháng 8.2012, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã nỗ lực giúp đỡ đưa hàng chục công nhân Việt Nam bị bóc lột sức lao động tại xưởng may Vinastar (làng Savino phía đông nam Mátxcơva) về nước. Trong một phóng sự trên BBC, các lao động Việt Nam tại Vinastar cho biết đã bị buộc phải làm việc 18 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần.

Có 75 người phải ngủ chung trong 4 căn phòng nhỏ, trong đó 2 phòng không hề có cửa sổ. Một số lao động nhập cư trái phép bị nổi sần trên da, do không được tắm trong ít nhất 2 tháng qua. Theo lời những lao động này, mỗi tuần, cứ mỗi 25 người chỉ được cấp 5 lít để đánh răng và vệ sinh cơ bản cá nhân. Một số lao động cho biết, họ chỉ được cấp lương trung bình 220 USD/tháng. Song khoản tiền ít ỏi này cũng bị cắt xén một nửa, với lý do trả tiền ăn và chỗ ở. Những nhân công chưa có tay nghề thậm chí chỉ nhận được 100 USD/tháng, có nghĩa càng làm việc lâu, khoản nợ của họ với xưởng càng tăng lên.

Nga sẽ thả những lao động Việt Nam có giấy tờ hợp lệ

Ngày 1.8, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã cử Đoàn công tác gồm cán bộ lãnh sự và đại diện Ban công tác cộng đồng trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu vụ việc và làm việc với các cơ quan chức năng địa phương. Các cơ quan chức năng của Nga cho biết sẽ tiến hành lấy thông tin của những người bị tạm giữ và sẽ thả những người có giấy tờ hợp lệ. Đoàn công tác đã yêu cầu chính quyền địa phương trước mắt đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, ăn ở cho công dân ta. Phía chính quyền địa phương cam kết đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, ăn ở cho công dân Việt Nam và sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán giải quyết vụ việc. Hiện Đại sứ quán Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc và phối hợp chặt chẽ với phía chính quyền địa phương sở tại giải quyết vụ việc, đảm bảo công dân ta được tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục sinh sống và lao động trên đất Nga.

 

Các cơ quan chức năng trong nước sẽ cùng phối hợp giải quyết

Chiều 2.8, PV Báo Lao Động đã liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH). Theo đại diện của cục thì trước thông tin về 1.200 người Việt bị tạm giữ tại Liên bang Nga, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang liên hệ với Đại Sứ quán VN tại Nga để kiểm tra xem những người trên nhập cảnh vào Nga theo diện nào. Nếu nhập cảnh theo con đường xuất khẩu lao động, thì trước tiên phải kiểm tra xem DN đó có được cấp phép đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại Nga hay không, sau đó mới có phương án xử lý. Việc bảo vệ NLĐ và công dân VN tại nước ngoài, trước tiên thuộc về Đại sứ quán VN ở  nước sở tại, sau đó các cơ quan chức năng trong nước sẽ cùng phối hợp để giải quyết. Nếu trường hợp DN được phép đưa lao động đi làm việc tại LB Nga thì Cục sẽ yêu cầu phương án giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Theo Lao Động

Chia sẻ