Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Bình Dương đã xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống vận hành, xử lý nghiệp vụ vững mạnh dựa trên công nghệ, dữ liệu data nên có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác. NHCSXH Chi nhánh Bình Dương xem chuyển đổi số, phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là mục tiêu trong chiến lược đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nhiều tiện ích
Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử. NHCSXH Chi nhánh Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện năng suất lao động, mở rộng các dịch vụ, rút ngắn thời gian giao dịch, gia tăng trải nghiệm của khách hàng… mang lại hiệu quả thiết thực.
Để quản lý hiệu quả tín dụng chính sách, giữa năm 2022, NHCSXH Chi nhánh Bình Dương đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng cài đặt, sử dụng ứng dụng công nghệ số và dịch vụ Mobile Banking thông qua ứng dụng VBSP Smartbanking và dịch vụ quản lý tín dụng chính sách (QLTDCS) thông qua ứng dụng app NHCSXH-QLTDCS. Các ứng dụng đã giúp người dùng tương tác, tạo sự liên kết chặt chẽ trong công tác quản lý, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động tín dụng chính sách.
Cán bộ NHCSXH hướng dẫn khách hàng cài app Smart banking
Chị Trần Thị Nguyên Trang, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một), cho hay trước đây khi cần gặp tổ trưởng để được hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn hay những vấn đề liên quan, khách hàng phải đến gặp trực tiếp để trao đổi.
Bây giờ khi có app VBSP Smartbanking và app NHCSXH-QLTDCS, người dùng chỉ cần tải về sử dụng và truy cập để biết tất cả các thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, tiền vay và thao tác trả tiền lãi, gửi tiền tiết kiệm, trả tiền điện, tiền nước, tra cứu lịch sử giao dịch với tổ trưởng; thực hiện các cài đặt: Đăng nhập, xác thực bằng vân tay, sinh trắc học, danh bạ thụ hưởng, phương thức xác thực Soft OTP (hình thức bảo mật 2 lớp trên ứng dụng số)…
Từ khi đưa ứng dụng Smartbanking vào sử dụng, việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn với cán bộ ngân hàng và khách hàng tại các điểm giao dịch diễn ra tương đối thuận tiện, nhanh chóng.
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng tiếp cận với tiện ích của ngân hàng số, qua thời gian triển khai dịch vụ Mobile Banking thông qua ứng dụng VBSP Smartbanking, ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bình Dương, cho biết đến nay lượng khách hàng thực hiện giao dịch qua ứng dụng này khá cao. Khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking thông qua ứng dụng VBSP Smartbanking có nhiều ưu điểm như thanh toán linh hoạt, bảo mật thông tin, tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch.
Hiệu quả phương thức ủy thác
Cùng với thực hiện tốt các nội dung trên, phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tại các điểm giao dịch xã hiện đang thực hiện rất hiệu quả. Hệ thống NHCSXH trên địa bàn thực hiện phương thức QLTDCS xã hội đặc thù thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn, được thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư. Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch.
Phương thức ủy thác kết hợp giữa hệ thống NHCSXH trên địa bàn với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả. Phương thức này cũng huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, của cộng đồng và toàn xã hội chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, hoạt động nhận ủy thác từ hệ thống NHCSXH trên địa bàn đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tăng số lượng hội viên, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác; được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Phương thức ủy thác này đã phát huy được thế mạnh của tổ chức hội, nhất là đối với công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện xã hội trong việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tính đến ngày 30-6-2024, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang quản lý 1.727 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại tất cả các khu, ấp trong tỉnh, với 84.203 thành viên đang vay số tiền 4.685.546 triệu đồng, bình quân 2.713 triệu đồng/tổ, dư nợ bình quân/thành viên là 56 triệu đồng; nợ quá hạn là 7.319 triệu đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ quản lý.
“Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã ngày càng nề nếp, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng được phục vụ một cách chính xác và tiện lợi như tại trụ sở NHCSXH trên địa bàn. Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính”, ông Đức cho biết thêm.
TƯỜNG VY