Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang tăng tốc “chuyển đổi số” để bảo đảm cung cấp các tiện ích giao dịch phù hợp.
Thay cho giao dịch trực tiếp, thông qua ngân hàng số, khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ 24/24 không phải mất thời gian, công sức để đến các điểm giao dịch. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VietcomBank Bình Dương
Công nghệ thuyết phục khách hàng
Theo các chuyên gia công nghệ, một trong những yếu tố thuyết phục để khách hàng tin tưởng, tham gia môi trường số hóa trong các hoạt động thương mại, nhất là phù hợp với hoàn cảnh những hạn chế liên quan các quy định giãn cách để phòng, chống dịch. Nếu như trước đây, nhiều người còn xa lạ với các hình thức mua sắm online, thanh toán trực tuyến thì hiện nay các hình thức đó đang trở thành xu thế để nhiều người tìm hiểu, lựa chọn. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, những hạn chế trong tiếp xúc đã trở thành điều kiện góp phần thay đổi cách nhìn, sự lựa chọn của nhiều người dân đến với thói quen mua sắm online, thanh toán điện tử.
Chị Hà Kiều Trang, người dân ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ từ lúc xảy ra dịch bệnh đến nay, mọi việc mua sắm của chị đều thực hiện trực tuyến với đơn vị cung ứng hàng hóa. Theo chị Trang việc giao dịch này đã góp phần hạn chế tối đa việc tiếp xúc hay phải di chuyển đến những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Hiện mua sắm và thanh toán trực tuyến là cách để chúng tôi tự bảo vệ mình, gia đình mình và cộng đồng. Các giao dịch trực tuyến của các ngân hàng đều được xác thực yếu tố bảo mật cao, những biến động tài khoản liên quan nếu có đều được báo cáo tức thời qua tin nhắn SMS, giúp khách hàng hoàn toàn có thể an tâm, tin tưởng hơn khi sử dụng”, chị Trang nói.
Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc VietcomBank Bình Dương, cho biết một trong những yếu tố để thuyết phục khách hàng chuyển đổi số cùng ngân hàng không chỉ là các tiện ích, dịch vụ trực tuyến cung cấp mà còn đòi hỏi trên cơ sở về nền tảng công nghệ, tính bảo mật, an toàn. Đây chính là cơ sở để thuyết phục khách hàng, người dân, DN thay đổi thói quen trong giao dịch, thanh toán từ trực tiếp sang các giao dịch từ dịch vụ ngân hàng số. “Đến nay, bên cạnh những tiện ích của ngân hàng số, VietcomBank luôn ưu tiên lựa chọn đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ với độ bảo mật, an toàn nhất, mang đến sự yên tâm cho khách hàng. Với tình hình dịch bệnh phức tạp, dù có nhiều khó khăn nhưng đây chính là điều kiện để thúc đẩy việc “chuyển đổi số” trong DN, trong đó có lĩnh vực ngân hàng phát triển một cách mạnh mẽ hơn. Đồng thời khách hàng cũng đang có những thay đổi trong việc tiếp cận, lựa chọn các giải pháp, các giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến để góp phần bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Với chiếc điện thoại trong tay, mọi người có thể book (đặt lịch hẹn) làm việc với ngân hàng không phải chờ đợi lâu, mặt khác các giao dịch điện tử cũng tiện lợi không bị hạn chế về mặt không gian, thời gian”, bà Hương chia sẻ.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn xác định việc xây dựng và phát triển kênh số là một quá trình liên tục để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, thói quen tiêu dùng và nhu cầu của khách hàng trong thời đại 4.0. Điển hình, từ tháng 7-2020 VietcomBank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB DigiBank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Theo VietcomBank, thay đổi này nhằm cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên máy tính cũng như thiết bị di động. Với số lượng khách hàng mới trên địa bàn đăng ký dịch vụ VCB DigiBank năm 2020 là gần 37.000 lượt, cho thấy kết quả đáng khích lệ đối với VietcomBank Bình Dương.
Đẩy mạnh số hóa, giảm thiểu rủi ro
Chuyển đổi số được đánh giá là động lực mới của tăng trưởng, đây được xem là “chìa khóa” để biến nguy thành cơ, giúp hoạt động của DN, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng tăng trưởng bền vững. Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, cho biết triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hệ thống các tổ chức tài chính và ngân hàng tại Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ và toàn diện các biện pháp chuyển đổi số hữu hiệu nhằm tận dụng cơ hội thị trường và mở rộng các giải pháp và dịch vụ thuận tiện đối với khách hàng. Hiện công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60 - 70% chi phí.
“Các ngân hàng thương mại trên địa bàn hầu hết đang ở giai đoạn thứ 2 (chuyển đổi kỹ thuật số). Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai “ngân hàng số” ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong. Mô hình ngân hàng số cho phép nhanh chóng mở rộng mạng lưới và cơ sở khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng trẻ, có tiềm năng trở thành khách hàng cao cấp trong tương lai; đồng thời gia tăng năng suất vận hành và kiểm soát chi phí hiệu quả”.
MINH DUY