Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn bám sát kế hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng... góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng cho DN để phục hồi và phát triển. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH TMDV Đức Lương, TP.Thủ Dầu Một
Phát huy hiệu quả
Kết thúc quý II-2022, các chỉ tiêu hoạt động ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho doanh nghiệp (DN), người dân trong tỉnh. Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, cho biết tổng nguồn vốn huy động đạt 281.432 tỷ đồng, tăng 11,18%, dư nợ tín dụng đạt 275.853 tỷ đồng, tăng 11,65%. Điều này cho thấy, các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đã phát huy hiệu quả.
Cũng theo ông Võ Đình Phong, để tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các ngân hàng chủ động tăng cường huy động vốn, đẩy mạnh cho vay. Đối với lãi suất cho vay bằng VNĐ, khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên ở mức 4 - 4,5%/năm. Đối với cho vay các chương trình theo cơ chế chính sách của Chính phủ và của ngành ngân hàng đạt 170.961 tỷ đồng, chiếm 61,98% trên tổng dư nợ. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 77.954 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu ước đạt 16.220 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa ước đạt 70.558 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ ước đạt 5.558 tỷ đồng; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 671 tỷ đồng.
Ngoài các chính sách về lãi suất, các TCTD còn triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với tổng số dư nợ bị ảnh hưởng 94.786 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 282 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu lại là 350 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 13.636 khách hàng, với số tiền lãi đã được miễn giảm gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh số cho vay mới hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn đạt 252.829 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 17.106 khách hàng. Điểm mấu chốt được nhiều khách hàng vay vốn quan tâm và có nhiều nhu cầu vay nhất cũng được ngành ngân hàng nhanh chóng tháo gỡ với tổng số dư nợ của khách hàng không bị chuyển sang nhóm nợ xấu 11.309 tỷ đồng, với 1.203 khách hàng.
Tiếp tục khơi thông vốn tín dụng
Để dòng vốn tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh hơn, ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp. “DN kỳ vọng đơn giản hóa việc tiếp cận vốn vay. Hiện nay, thủ tục vay vốn còn phức tạp, qua nhiều quy trình. Sản phẩm tín dụng dành cho DN vừa và nhỏ chưa phong phú, một số DN không tìm được các sản phẩm tín dụng phù hợp… việc tiếp cận vốn vay là chưa cao”, ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Đức Lương (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đại Thiên Lộc, cho biết việc miễn giảm lãi suất, cấp vốn kịp thời sẽ giúp DN có điều kiện khôi phục, đầu tư sản xuất. Thế nhưng, việc thực thi chính sách của các ngân hàng chưa thống nhất. “Các TCTD cần tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa nêu ý kiến.
Trước thực tế vẫn còn nhiều DN kêu khó tiếp cận tín dụng, ông Võ Đình Phong cho biết hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước được ngành ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Các ngân hàng đang tích cực vào cuộc, triển khai nhanh, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, các DN cần phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này. DN cần rà soát, cơ cấu lại hoạt động để có thể tiếp cận vốn vay.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành ngân hàng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ nay đến cuối năm, NHNN tỉnh tăng cường giám sát, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh, NHNN Việt Nam về tiền tệ, tín dụng. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Cùng với đó là các chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, cho vay trả lương ngừng việc, các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán…”. (Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương) |
THANH HỒNG