Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Dù phải gánh chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 4, song các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất tại Bình Dương đang tích cực phục hồi chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường, cùng với ngành gỗ trong nước hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 14,5 tỷ đô la Mỹ.
Sản xuất gỗ tại Công ty Phú Đỉnh (Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng)
Lạc quan
Kết quả khảo sát các DN chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) vừa được công bố tại hội nghị trực tuyến “DN ngành gỗ nỗ lực phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” mới đây cho thấy đợt dịch bệnh thứ 4 đã tác động tiêu cực chuỗi cung xuất khẩu và nhập khẩu. Trong đó có Bình Dương, trung tâm chế biến gỗ của cả nước với 50% giá trị xuất khẩu. “Đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Bình Dương đã mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tín hiệu và kết quả thực tế cho thấy, tốc độ phục hồi của các DN ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán trong 2 - 3 tháng trước đây”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) nhận định.
Cùng với sự lạc quan, các DN đã bắt tay thực hiện ngay nhiều giải pháp để phục hồi sản xuất. Đó là, tinh giảm bộ máy, giảm chi phí cố định, đầu tư nâng cấp máy móc. Đồng thời, có chính sách tốt giữ chân, thu hút người lao động bằng các việc xây dựng nhà ở cho công nhân, chế độ lương, thưởng. Đối với phòng, chống dịch bệnh, DN áp dụng nghiêm ngặt quy định của cơ quan chức năng, tạo môi trường lao động an toàn.
Để phát triển bền vững trong trạng thái “bình thường mới”, các DN ngành gỗ kiến nghị nhiều vấn đề. Trong đó, ngành y tế cần có quy trình hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0, cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ DN tiếp cận với nguồn lao động, chăm lo tốt hơn cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn. Đồng thời, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển…
Tăng tốc sau đại dịch
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam (TX.Bến Cát), cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, công ty đã cố gắng duy trì sản xuất “3 tại chỗ” cùng với việc giữ mối liên hệ thường xuyên với người mua hàng, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng ngay khi tình hình dịch bệnh tiến triển tốt hơn. Chính vì vậy, khi hoạt động trở lại, DN không quá lo lắng về vấn đề đơn hàng. Tuy nhiên, với số lượng nhân công hạn chế, sản lượng hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên công ty ưu tiên thực hiện những đơn hàng giá trị cao, đầu tư máy móc công nghệ, phát triển những dòng hàng có giá trị cao hơn, tạo một sự vững vàng trong phát triển sau dịch bệnh.
Vượt khó khăn, tính toán cho đoạn đường dài hơn, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Việt (TX.Tân Uyên), cho biết trong dịch bệnh ông đã sang Mỹ để thương thảo với khách hàng để tạm giãn thời gian giao hàng. Đến nay, đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ rất lớn. Vấn đề còn lại là các DN ngành gỗ cần có chiến lược để phát triển và nâng tầm lên sau đại dịch. Để tận dụng tối đa cơ hội thị trường mua sắm những tháng cuối năm, DN đã chủ động dự trữ nguyên liệu đủ để sản xuất trong 2 tháng tới. Như vậy, chỉ cần có đủ lao động, công ty có thể đáp ứng được 90% số đơn hàng trong năm nay.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA cho biết các DN ngành gỗ đã sẵn sàng để khôi phục lại chuỗi cung ứng và lấy lại đà tăng trưởng. Nhiều DN đã chủ động xây dựng phương án thích nghi với điều kiện mới như chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu, kêu gọi cho người lao động trở lại làm việc và thông báo với đối tác kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm. “Các DN đã sẵn sàng bứt tốc sau đại dịch. Tuy nhiên, để có thể tái hoạt động như kỳ vọng, cần sự đồng hành của các địa phương trong việc bảo đảm chuỗi cung ứng được liên tục, đặc biệt tại khu vực sản xuất trọng điểm Bình Dương. Đồng thời, trong dài hạn ngành gỗ đã kiến nghị với tỉnh thiết lập khu công nghiệp chuyên ngành. Tất cả nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững chuỗi cung ứng và tạo ra giá trị lớn”, ông Điền Quang Hiệp bày tỏ.
TIỂU MY