Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Không chỉ kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ xấu bởi dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng Bình Dương đã và đang chủ động triển khai nhiều chương trình tiếp sức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tư vấn mức lãi suất tiết kiệm cho khách hàng tại Vietcombank Bình Dương
Chia sẻ khó khăn với khách hàng
Đi cùng cán bộ tín dụng Vietcombank Bình Dương đến một DN lớn hoạt động trong lĩnh vực kéo sợi tại KCN Rạch Bắp (xã An Điền, TX.Bến Cát), chúng tối cảm thấy phấn khởi trước hình ảnh hàng trăm lao động đang gấp rút sản xuất sợi vải dịp cuối năm trong khu xưởng rộng gần 20.000m2. Không khí làm việc nơi này đang sôi động trở lại sau thời gian hoạt động cầm chừng do dịch bệnh. Lãnh đạo công ty cho biết trước dịch bệnh có 200 công nhân, năng suất bình quân khoảng 800 tấn sợi/tháng, doanh thu khoảng 2 triệu USD/tháng. Do dịch bệnh, công ty đã phải cho công nhân nghỉ luân phiên và doanh thu chỉ bằng 50% so với giai đoạn trước.
Thấu hiểu, chia sẻ cùng khó khăn của khách hàng, Vietcombank Bình Dương đã nhanh chóng rà soát và triển khai hỗ trợ giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,0%/năm tùy khoản vay với tổng dư nợ khoảng 350 tỷ đồng của công ty. Đồng thời giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay đến hạn trong năm 2020 với tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng. Nhờ vậy, ngay sau khi chấm dứt giãn cách xã hội, công ty nhanh chóng phục hồi sản xuất, tiếp nhận các đơn hàng mới, bảo đảm ổn định việc làm cho khoảng 200 lao động.
Lãnh đạo một công ty sản xuất phụ kiện giày thể thao ở khu phố Bình Khánh, phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên cũng cho biết, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi và cơ cấu khoản nợ đến hạn trong thời gian bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã tiếp sức kịp thời, tạo động lực lớn giúp công ty vượt thời gian khó khăn. Lãnh đạo công ty này cho biết 4 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh doanh của công ty gặp khủng hoảng do thị trường đình trệ, công nhân phải luân phiên làm việc do giãn cách xã hội, hầu hết đơn hàng bị tạm ngưng khiến thiệt hại khá lớn. Giữa lúc khó khăn bủa vây, Vietcombank Bình Dương đã nhanh chóng tạo điều kiện giúp công ty được gia hạn các món nợ đến hạn trong thời gian tháng 5, tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, công ty hiện được áp dụng lãi suất vay ưu đãi giảm 2,7%/năm so với lãi suất thông thường. Việc cơ cấu khoản nợ đến hạn và giảm lãi suất vay đã hỗ trợ công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, trả lương, giữ chân công nhân lành nghề, từng bước phục hồi sản xuất, nhận được các đơn hàng mới. Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty dần được khôi phục, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho tất cả công nhân lao động.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn khách hàng đã được Vietcombank Bình Dương và các ngân hàng khác như Vietinbank, Agribank, Sacombank, HDbank hỗ trợ bằng nhiều giải pháp, giúp DN sớm khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục hỗ trợ
Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (BIDV) cho biết, trong năm 2020 BIDV Bình Dương đã triển khai rất nhiều gói hỗ trợ DN, trong đó đặc biệt giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi vay so với từng loại mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, từng loại ngành nghề. Nhờ có chính sách cụ thể, sát sao nên rất nhiều DN đã được hỗ trợ tín dụng hiệu quả và kịp thời.
Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc HDbank Bình Dương cho biết sau khi có thông tin về dịch bệnh HDbank đã tiến hành rà soát thống kê được số DN tạm ngưng kinh doanh có thời hạn. Trong đó DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ chủ yếu là kinh doanh dịch vụ lưu trú ăn uống bị tác động và chiếm tới 94 - 97% số DN gặp khó khăn. Vì vậy HDbank đã giảm sâu lãi suất gói cho vay DN vừa và nhỏ. Đến nay, ngân hàng đã giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm với tổng doanh số gần 24 tỷ đồng. Hiện nay HDbank vẫn đang tiếp tục các chương trình tài trợ DN đồng thời hỗ trợ thủ tục xét duyệt hồ sơ, nhanh chóng chuẩn hóa trong ngày cho các DN.
Tương tự, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, cho biết: “Ngay khi dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng chúng tôi biết rằng đây là thử thách lớn để thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong năm. Chính vì vậy, Vietcombank đã chủ động làm việc với khách hàng để nắm bắt tình hình và triển khai các giải pháp phối hợp, hỗ trợ kịp thời”. Theo ông Quang, Vietcombank luôn theo sát tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động của khách hàng xây dựng phương án hỗ trợ, phối hợp, xử lý phù hợp, vận dụng linh hoạt tuân thủ quy định. Ngoài các giải pháp về hỗ trợ lãi suất, phí, cơ cấu nợ, đơn vị cũng triển khai nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp với tình hình khách hàng như, xem xét kéo dài thời hạn vay đối với các khoản vay mới để phù hợp với vòng quay vốn lưu động, đẩy mạnh triển khai báo thanh toán nhằm hỗ trợ, bảo đảm rủi ro cho khách hàng trong các giao dịch hàng hóa... Không chỉ đối với các khách hàng DN, Vietcombank Bình Dương còn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với nhiều khách hàng cá nhân. Đến nay, đã có trên 2.400 khách hàng còn dư nợ cho vay ưu đãi với mức lãi suất giảm từ 1% - 3%/năm so với lãi suất công bố đạt 9.900 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng dư nợ. Trong năm 2020, tổng số tiền lãi đã thực hiện ưu đãi hỗ trợ cho khách hàng DN khoảng 190 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đã thực hiện cơ cấu không thay đổi nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã triển khai trong năm 2020 là gần 700 tỷ đồng.
Triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các chương trình hỗ trợ DN cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
THANH HỒNG