Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, ngành sinh vật cảnh của tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Việc tham gia hoạt động sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Mô hình trồng lan mokara cắt cành của hộ anh Nguyễn Văn Thành (phường An Điền, TP.Bến Cát) được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ giống lan mang lại hiệu quả cao
Theo đánh giá của Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh, đến nay hoạt động của ngành SVC đã có sự chuyển biến tích cực, qua đó góp phần tăng gia sản xuất, đời sống người trồng, kinh doanh SVC được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Doanh thu từ nuôi trồng SVC khá lớn, bình quân trồng hoa lan đạt 600 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/ năm/ha, cây mai khoảng 800 triệu đồng/ha/năm, từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ hộ nuôi cá kiểng.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 15 câu lạc bộ chuyên ngành SVC, với trên 700 hội viên, sinh hoạt trong các lĩnh vực: Bonsai - tiểu cảnh, cây cảnh nghệ thuật, hoa lan cây cảnh, chim cảnh, cá kiểng… Nhiều hội viên Hội SVC đã chuyển sang nuôi trồng và kinh doanh SVC với quy mô lớn, hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Bến Cát, TP.Tân Uyên với diện tích trên 100 ha. Các loại cây cảnh được trồng ngày càng phong phú, từ các loại cây xanh thiết kế cho sân vườn đến các loại tiểu cảnh để trang trí nhà cửa, văn phòng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở sản xuất các loại đôn, chậu phục vụ cho ngành hoa lan, cây cảnh, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu sản phẩm các loại.
Hiện nay, nhiều nhà vườn, nghệ nhân, nông dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen các loại cây SCV để tạo thêm thu nhập. Thời gian qua, để có định hướng phát triển lâu dài, Hội SVC tỉnh đã phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn, tập huấn cho những người yêu thích SVC nắm bắt kỹ thuật, tạo dáng cây kiểng để tạo ra những tác phẩm đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân. Đồng thời, 2 đơn vị cũng phối hợp đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hóa, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh xanh - sạch - đẹp.
Có thể nói, việc phát triển những mô hình SVC là rất cần thiết, không những giúp những người tham gia mô hình này nâng cao thu nhập mà còn góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập của người dân ở nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất đai trong ngành nông nghiệp.
PHƯƠNG ANH