Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong những năm qua, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) Bình Dương đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Từ công tác thông tin tuyên truyền đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đều mang lại những kết quả tích cực...
Nhân viên trực tổng đài hệ thống đường dây nóng 1022 tỉnh Bình Dương
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của mình. Đến nay, toàn tỉnh có 7 cơ quan báo chí, gồm: Báo Bình Dương (có báo in và báo điện tử), Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và 5 tạp chí. Ngoài ra, còn có 25 bản tin, 25 trang thông tin điện tử tổng hợp, 5 văn phòng đại diện, 9 Đài Truyền thanh cấp huyện và 91 Đài Truyền thanh cấp xã phủ sóng phát thanh đạt 100% ấp, khu phố.
Thời gian qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh phát triển theo đúng định hướng. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo tuyên truyền của Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TT&TT đã kịp thời triển khai, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử, hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương. Công tác tuyên truyền tăng cường đổi mới cả về hình thức và nội dung, đúng định hướng, kịp thời, toàn diện tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh từ tỉnh đến cơ sở.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động. Các trang thông tin điện tử đã góp phần chuyển tải thông tin cần tuyên truyền kịp thời, nhanh chóng đến các tầng lớp nhân dân, như thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; thông tin, tuyên truyền về các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thông tin các điểm đầu tư, dự án mời gọi đầu tư của tỉnh. Để bảo đảm nội dung tuyên truyền đúng định hướng, Tổ giám sát thông tin trên môi trường mạng internet, mạng xã hội của Sở TT&TT thường xuyên kiểm tra các nguồn thông tin nói về Bình Dương trên môi trường mạng internet, mạng xã hội. Qua đó, kịp thời đề xuất các giải pháp ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các trang thông tin có tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội; nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Không chỉ định hướng cho các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, thời gian qua, Sở TT&TT còn sáng tạo, đổi mới trong ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử và trong nhiều hoạt động, công tác khác.
Theo ông Lai Xuân Thành, đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT cơ bản đã đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT của tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố đã tăng cường đầu tư trang thiết bị CNTT theo hướng dẫn của Sở TT&TT, bảo đảm điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tác nghiệp và đáp ứng yêu cầu vận hành các ứng dụng dùng chung do tỉnh triển khai, như phần mềm một cửa, phần mềm quản lý văn bản, hội nghị truyền hình…
Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trung tâm Dữ liệu tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp và vận hành ổn định, thông qua các dự án như: “Đầu tư cho Trung tâm CNTT&TT đổi mới hoạt động dịch vụ, tư vấn phát triển CNTT và đảm nhiệm vai trò Trung tâm Dữ liệu dự phòng”; “Mua sắm bổ sung thiết bị bảo đảm an toàn thông tin cho các Trung tâm Dữ liệu”; “Duy trì bản quyền phần mềm cho hệ thống tường lửa Trung tâm Dữ liệu tập trung”; “Bảo trì, khắc phục sự cố phần mềm hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh và 10 Cổng thông tin thành phần”. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đang dần được hình thành, như: Hệ thống thông tin đất đai của ngành tài nguyên và môi trường; hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện; hệ thống quản lý thông tin quy hoạch đô thị do Sở Xây dựng thực hiện; hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành công thương; hệ thống thông tin quản lý dữ liệu ngành y tế (HIS); hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục và đào tạo...
Đến nay, tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt tỷ lệ 100%, đã có 256 cơ quan, đơn vị (chính quyền, Đảng, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp) với hơn 8.000 người dùng trên địa bàn tỉnh được triển khai phần mềm; trục liên thông văn bản cũng đã được Sở TT&TT đầu tư nâng cấp, bảo đảm điều kiện kết nối liên thông văn bản 4 cấp theo chỉ đạo của Chính phủ. Các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước đã hoàn thiện và đưa vào khai thác, vận hành.
Theo thống kê từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trung bình, hàng năm có khoảng gần 700.000 văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Chữ ký số điện tử cũng được áp dụng trong quá trình luân chuyển, trao đổi văn bản điện tử với tỷ lệ 78%. Phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai đến cấp xã, cung cấp các tiện ích, thực hiện các nghiệp vụ xử lý hồ sơ, phản hồi trạng thái qua tin nhắn, các ứng dụng OTT (Zalo…), hỗ trợ tra cứu thông tin hồ sơ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư, bảo đảm phục vụ hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp. Các ứng dụng chuyên ngành, như: Tài nguyên, môi trường (ViLIS), thuế đã được thực hiện liên thông, giúp cán bộ thụ lý hồ sơ xử lý thuận tiện, nhanh chóng.
Cổng Dịch vụ công của tỉnh cũng đã được xây dựng từ rất sớm, liên tục được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Chính phủ về kết nối, đồng bộ một số tính năng với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo xếp hạng của Bộ TT&TT về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng CNTT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, năm 2019 Bình Dương tiếp tục đứng thứ 4 trong 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, có 1.097 dịch vụ công mức độ 3, 4 của các cơ quan, đơn vị đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (mức 3: 339, mức 4: 755), đạt tỷ lệ 55,8% % (1.094/1.959 thủ tục). Trong quý III năm 2020, dự kiến sẽ đưa vào phục vụ người dân các kênh thanh toán trực tuyến, để thúc đẩy phát triển các dịch vụ hành chính công mức độ cao.
Những kết quả mà ngành TT&TT đã đạt được, tập trung đẩy mạnh và phát triển trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Theo ông Lai Xuân Thành, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn phía trước, song với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, ngành TT&TT Bình Dương sẽ tiếp tục hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao để đóng góp một phần vào nỗ lực chung của tỉnh, đặc biệt là trong xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, tạo nền tảng cơ sở để tỉnh Bình Dương vươn lên trong quá trình triển khai thành phố thông minh trên quy mô toàn tỉnh trong thời gian tới.
Qua hơn 7 tháng vận hành Hệ thống đường dây nóng 1022 (từ tháng 11-2019 đến tháng 6-2020), hệ thống đã tiếp nhận 3.057 yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức. Trong đó có: 479 yêu cầu về thủ tục hành chính; 1.025 phản ánh hiện trường; 1.553 yêu cầu giải đáp thông tin, góp ý cho chính quyền. Hệ thống đường dây nóng 1022 đã chuyển 1.025 phản ánh, kiến nghị cho 47 đầu mối của các sở, ban, ngành, địa phương xử lý với tỷ lệ phản hồi thỏa đáng đạt 77%. Đầu số 115 cũng đã tiếp nhận 2.785 yêu cầu hỗ trợ về y tế và chuyển thông tin cho bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất để điều động xe cứu thương tiếp cận hiện trường để hỗ trợ cho người dân; trong đó có 1.482 ca xử lý thành công, đạt tỷ lệ 46,7%. |
HỒNG THUẬN