| 08-09-2023 | 09:37:09

Ngành y tế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về y tế, thời gian qua, ngành y tế tỉnh siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát các hoạt động y tế. Qua các công tác này, ngành đã chỉ rõ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược và tình hình tạm ứng, vay, mượn thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Bình Dương rất cần cơ chế thanh toán tạm ứng, vay, mượn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh: Khám, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại TP.Dĩ An trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát

 Chú trọng quản lý nhà nước về hành nghề y, dược

Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa về y tế, trong những năm qua, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và cung ứng thuốc phục vụ nhân dân, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện công lập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập còn một số tồn tại như: Hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn, biển hiệu ghi chưa đúng quy định, niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ, người hành nghề không đúng chức danh, người phụ trách chuyên môn còn vắng mặt khi cơ sở hoạt động, vẫn còn tình trạng hành nghề y, dược không phép, có hiện tượng thực hiện khám, chữa bệnh trong cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có giấy phép hoạt động. Những tồn tại này đã dẫn đến những vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược; chất lượng dịch vụ y tế không bảo đảm, tạo dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Thống kê từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh đã tổ chức 11 đoàn thanh tra liên ngành với 161 cá nhân, tổ chức được thanh tra. Kết quả, 152 cơ sở có vi phạm các quy định, đã cảnh cáo nhắc nhở 117 cơ sở, phạt tiền 35 cơ sở với số tiền hơn 739 triệu đồng. Ngành cũng duy trì tốt hoạt động đường dây nóng và tiếp công dân; đã chuyển tiếp 35 yêu cầu, phản ánh, kiến nghị từ hệ thống phần mềm xử lý đường dây nóng 1022 của tỉnh; chuyển tiếp các yêu cầu phản ánh, kiến nghị từ đường dây nóng Bộ Y tế đến các phòng ban, đơn vị y tế xử lý, giải quyết.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do công tác quản lý hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập của các sở, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính chưa quyết liệt, chưa có biện pháp xử lý triệt để, ngăn ngừa các sai phạm của các cơ sở hành nghề; tình trạng chồng chéo, bỏ sót cơ sở hành nghề trong công tác kiểm tra vẫn còn; việc phân cấp trách nhiệm kiểm tra chưa cụ thể giữa các ngành, các cấp.

Cần cơ chế thanh toán tạm ứng, vay, mượn trong chống dịch

Tiếp tục nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát y tế, ngành y tế tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngành tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng công tác thanh tra y tế, cộng tác viên thanh tra y tế và mạng lưới cán bộ làm công tác thanh tra tại các đơn vị trực thuộc.

Sở Y tế đã tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động mua sắm kít test tại các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ngoài ra, Sở Y tế đang thực hiện kiểm tra công tác tiếp nhận, quản lý, mua sắm, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, test nhanh kháng nguyên, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2023 tại các đơn vị. Để làm rõ các nội dung liên quan mượn thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế đã đề nghị các đơn vị báo cáo. Thống kê cho thấy, kinh phí nợ, kinh phí hiện vật, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm tồn sau đại dịch Covid-19 có giá trị lớn.

Tình hình tạm ứng, vay, mượn thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 33 tỷ đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 16 tỷ đồng và các trung tâm y tế gồm: TP.Thuận An 193 tỷ đồng, TP.Dĩ An 603 triệu đồng, TX.Bến Cát hơn 4,2 tỷ đồng, huyện Dầu Tiếng hơn 1,3 tỷ đồng và huyện Phú Giáo hơn 584 triệu đồng.

 Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ tham mưu cấp thẩm quyền ban hành hướng dẫn cơ chế thanh toán đối với các hình thức tạm ứng, vay, mượn phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là đối với những quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thực hiện ký kết hợp đồng với nhà cung cấp hoặc đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng chưa đấu thầu; đã có kết quả trúng thầu, nhưng ký hợp đồng trễ, không kịp ký hợp đồng nên chưa thanh toán được; các hình thức mượn, tạm ứng.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ