| 09-03-2016 | 09:21:18

Ngành Y tế: Tăng cường phòng chống, ứng phó với bệnh do vi rút Zika

Trong thời gian gần đây, bệnh do vi rút Zika diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Bộ Y tế nhận định, bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào và có khả năng bùng phát thành dịch nếu không chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng chống. Tại Bình Dương, công tác phòng chống bệnh cũng được lãnh đạo địa phương và ngành y tế đặc biệt quan tâm…


Trung gian truyền bệnh do vi rút Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, do đó người dân cần chủ động diệt lăng quăng, muỗi để phòng bệnh.
Trong ảnh: Ra quân diệt lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Để ứng phó với tình trạng bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới, mới đây Cục Y tế Dự phòng đã tổ chức tập huấn cho ngành y tế 20 tỉnh, thành phía Nam về đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh. Tiếp đó, tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng cũng như các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hãy nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Có thể nói, công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika đang được ngành y tế từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng lúc này.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho hay, trung gian truyền bệnh do vi rút Zika cũng chính là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì thế, nếu vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam thì nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh là có thể nếu có ca bệnh. Điều mà hiện nay WHO đang lo ngại nhất là hội chứng teo não (đầu nhỏ) ở trẻ em tại những nơi có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành. Mặc dù đến thời điểm này, WHO vẫn chưa chứng minh được và chưa công bố cụ thể các bằng chứng khoa học về sự liên quan này… “Trước diễn biến phức tạp của bệnh do vi rút Zika trên thế giới trong thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó ngay từ đầu và không làm quyết liệt thì vi rút Zika có thể xâm nhập vào. Trong điều kiện môi trường, khí hậu của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Nam, khi dịch bệnh bùng phát chúng ta sẽ rất khó ngăn chặn. Do đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam; hướng dẫn giám sát và phòng chống; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và có các tài liệu truyền thông, chỉ đạo đến tận UBND các tỉnh, thành, các sở y tế…”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

Để chủ động ngăn ngừa vi rút Zika xâm nhập và lây lan rộng trên địa bàn tỉnh, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, mới đây, Sở Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, các dịch bệnh nguy hiểm và an toàn thực phẩm năm 2016. Đối với dịch bệnh do vi rút Zika, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và các biện pháp phòng bệnh chủ động; khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ mang thai, những người có dự định mang thai trong vòng 6 tháng tới hạn chế đi đến vùng dịch khi không cần thiết và cần tham vấn cán bộ y tế khi nghi ngờ bị nhiễm vi rút Zika; thường xuyên cập nhật danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch lưu hành trên trang web của Bộ Y tế và Cục Y tế Dự phòng. Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát dịch bệnh tại cảng khẩu Bình Dương, tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, áp dụng các biện pháp cách ly, xử trí kịp thời; đồng thời khuyến cáo người dân đi từ vùng dịch về, khách du lịch đến từ vùng dịch tự theo dõi sức khỏe và khai báo với cơ quan y tế khi có những triệu chứng nghi ngờ trong vòng 12 ngày. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng tương tự như phòng chống sốt xuất huyết để hạn chế sự hạn chế của muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh Zika) nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika có thể lây lan nhanh khi xâm nhập vào tỉnh…

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện đang xảy ra ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là tại một số nước láng giềng như Lào, Thái Lan... Vì thế, bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như tỉnh Bình Dương bất cứ lúc nào qua con đường giao lưu kinh tế và du lịch. Đây là tình trạng khẩn cấp mang tính chất cộng đồng. Do đó, ngay từ đầu năm khi có các thông tin về tình hình dịch bệnh, ngành y tế Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố triển khai ngay các biện pháp giám sát chủ động bằng 5 biện pháp chính: Giám sát ca bệnh tại bệnh viện, giám sát véc-tơ (muỗi truyền bệnh), tổ chức truyền thông rộng rãi trong cộng đồng, xử lý véc-tơ khi có mật độ côn trùng cao và thực hiện công tác báo cáo nhanh hàng ngày về Sở Y tế.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh nói chung và bệnh do vi rút Zika nói riêng, ông Huỳnh Thanh Hà cho biết, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch năm 2016, trong đó đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, sẵn sàng thu dung và điều trị khi có dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, ngành cũng thành lập 10 đội ứng phó nhanh, các thuốc và hóa chất chống dịch bảo đảm đủ thuốc khi có dịch xảy ra. “Công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika đang được ngành y tế tỉnh nhà rất quan tâm. Trong ngày 8-3, ngành tổ chức tập huấn ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika cho cán bộ y tế tại các địa phương. Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng để các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn có sự chủ động hơn trong việc ứng phó, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn...”, ông Hà nói.

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền (muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết). Người bị bệnh khi bị muỗi mang mầm bệnh cắn vào lúc sáng sớm và chạng vạng chiều. Theo Bộ Y tế, bệnh do vi rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. 80% trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng, vì thế việc phát hiện ca bệnh sớm không dễ dàng. Điều mà Tổ chức Y tế thế giới đáng lo ngại là đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh tại các khu vực có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành. Ngoài phương thức lây truyền chủ yếu của vi rút Zika qua muỗi Aedes, còn có một số bằng chứng cho thấy vi rút có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Hiện chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.

 

HỒNG THUẬN

Chia sẻ