| 08-05-2024 | 16:30:04

Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8-5): Gìn giữ tinh thần nhân đạo

Ngày 8-5 hàng năm là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - một phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu.


Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng trao bảng tấm lòng vàng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp tích cực và ủng hộ cho Tháng Nhân đạo năm 2024.

Phong trào nhân đạo lớn nhất toàn cầu 

Ngày 24/6/1859 ở Solferino - một thành phố miền bắc nước Ý, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp - Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.

Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách “Ký ức về Solferino”. Cuốn sách được hoàn thành năm 1862. Trong cuốn sách, ông đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, những người danh tiếng, những chính khách có tên tuổi để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.

Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt - chữ thập đỏ trên nền trắng - để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua.

Năm 1864, Công ước đầu tiên (“Công ước Geneva”) được các quốc gia thành viên thông qua. Năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thành lập. Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập là mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu.

Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập Phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế. Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

Hàng năm, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sẽ đưa ra một chủ đề kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khác nhau. Chủ đề năm nay được Hiệp hội lựa chọn là “Gìn giữ tinh thần nhân đạo”.

Thông điệp của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm nay như một lời nhắc nhở sâu sắc về cam kết lâu dài của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhằm đề cao tinh thần nhân đạo, giảm bớt đau thương và mở rộng trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và khó tiếp cận.

Gìn giữ tinh thần nhân đạo

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và Người là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Hội chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế vào ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế họp tại Delhi (Ấn Độ).

Trong gần 78 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có những đóng góp tích cực đối với phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa.

Phong trào xuất phát từ nhu cầu cần được trợ giúp của những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương trong xã hội; từ thực trạng cần thiết phải tăng cường giáo dục lòng nhân ái, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác nhân đạo. Đồng thời, phong trào cũng đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhân đạo.

Tháng Nhân đạo được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2018, đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân đối với công tác nhân đạo, tạo phong trào tương thân, tương ái rộng lớn trong cộng đồng, mang lại điểm nhấn và nhiều  kết quả nổi bật so với các hoạt động nhân đạo thường xuyên.

Bà Bùi Thị Hoà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, với chủ đề "Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương", Tháng Nhân đạo năm nay hướng đến một hành trình của lòng nhân ái mà ở đó mỗi người đều có thể tham gia, đóng góp, gắn kết, cống hiến để sẻ chia, trao đi những tấm lòng, tình yêu thương, sẵn sàng trợ giúp các hoàn cảnh hoàn cảnh khó khăn, nhân lên những hành động tử tế, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

Trước đó, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức chiến dịch chạy bộ “Triệu bước chân nhân ái” nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng tới 70 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024). Diễn ra từ 25/2 đến 20/4, chiến dịch đã thu hút gần 100.000 người tham gia, huy động 16,2 tỷ đồng cho mục đích thiện nguyện.

Toàn bộ nguồn lực từ doanh nghiệp và các cá nhân ủng hộ cho chiến dịch được sử dụng để khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe miễn phí cho hơn 9.400 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên; xây dựng 10 bếp ăn tặng các trường mầm non, tiểu học của tỉnh Điện Biên; hỗ trợ sinh kế cho 82 hộ nghèo của tỉnh Điện Biên; hỗ trợ dinh dưỡng và điều kiện học tập cho hơn 7.000 học sinh; tặng 100 bồn nước cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng Nhân đạo năm 2024, toàn hệ thống Hội phấn đấu trợ giúp 100.000 địa chỉ nhân đạo (cá nhân và tập thể). Trong đó, mỗi tỉnh, thành Hội vận động, kết nối xây mới, sửa chữa 1 điểm bếp ăn bán trú/nội trú tại các các trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 150 triệu đồng/điểm; xây dựng, sửa chữa 2 nhà Chữ thập đỏ cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên hộ ngư dân nghèo, khó khăn, trị giá tối thiểu 50 triệu đồng/nhà. Cùng đó là mục tiêu hỗ trợ sinh kế, gắn địa chỉ nhân đạo đối với ít nhất 50 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá hỗ trợ tối thiểu 5 triệu đồng/hộ; tổ chức được ít nhất 1 công trình, phần việc nhân đạo, chương trình gắn địa chỉ nhân đạo có sự tham gia ủng hộ trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương. Toàn Hội phấn đấu vận động nguồn lực đạt 400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động trong Tháng Nhân đạo và chủ động sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu trợ giúp nhân đạo trong năm 2024.

Tháng Nhân đạo năm nay mang thông điệp ý nghĩa về một hành trình nhân ái gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân các thế hệ đi trước bằng hoạt động, công trình, phần việc nhân đạo cụ thể, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, trẻ em ở vùng khó khăn trên hành trình về nguồn tại các di tích lịch sử, văn hóa.

Theo TTXVN

Chia sẻ