| 20-09-2013 | 00:00:00

Nghệ sĩ miệt vườn “say” đề tài nông thôn mới

Đề tài xây dựng nông thôn mới (NTM) tưởng chừng là rất khô khan đã được anh chuyển tải một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng trong những bài ca, tiểu phẩm của mình để đi sâu hơn vào lòng người. Người mà chúng tôi đang nói đến là anh Trần Minh Hải, cán bộ phụ trách giao thông, nông nghiệp, thủy lợi xã Tân Lập, huyện Tân Uyên.

Lời ca nặng nghĩa tình

Nhiều người thường trìu mến gọi anh bằng cái biệt danh “nghệ sĩ miệt vườn”. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật tại tỉnh Trà Vinh. Cha anh là nghệ sĩ đàn guitar có tiếng. Những người anh của anh đều là những nghệ sĩ tham gia vào đoàn cải lương của một số tỉnh miền Tây. Năm 18 tuổi anh đã có tác phẩm đầu tiên khi tham gia nghĩa vụ quân sự tại trường Hậu cần Kỹ thuật Quân đoàn 4. Năm 1994, sau khi xuất ngũ, anh đến vùng đất Tân Lập và chọn nơi đây là quê hương thứ 2 để lập nghiệp. Những khó khăn về “cơm áo, gạo tiền” những ngày đầu làm thuê, làm mướn đã không cho phép anh có thời gian để sáng tác. Nhưng “máu nghệ sĩ” vẫn cứ âm ỉ chảy và thôi thúc anh có suy nghĩ đến một ngày nào đó phải có những bài ca về vùng đất mới mà mình chọn làm “bến đỗ”. Khi được tín nhiệm làm cán bộ ấp rồi làm Chủ tịch Hội Nông dân xã trong 9 năm liền và bây giờ là cán bộ phụ trách giao thông, nông nghiệp, thủy lợi xã, anh đã có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các phong trào văn nghệ địa phương. Điểm đặc biệt ở “NS miệt vườn” này là lòng say mê về đề tài nông thôn. Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được anh khéo léo đưa vào các bài ca cổ, các tiểu phẩm kịch, vở cải lương ngắn để chuyển tải đến người dân một cách hiệu quả nhất.

 Anh Hải với công việc hành chính thường ngày (ảnh trên) và đi thực tế để thai nghén đề tài về xây dựng nông thôn mới

Anh chia sẻ: “Khi được gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với nông dân mình mới thấy hết những khó nhọc của họ nhưng họ luôn yêu đời và hăng say lao động. Điều đó thôi thúc tôi phải có những tác phẩm viết về sự lao động của nông dân xã nhà. Nhiều nông dân rất có năng khiếu nghệ thuật nên tôi ý muốn tập hợp lại, tập luyện để họ đóng góp có hiệu quả hơn vào phong trào nghệ thuật của địa phương”. Ngoài khả năng sáng tác, anh Hải còn là người có giọng ca rất hay và là một trong những “gà son” của xã Tân Lập khi tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng. Hầu như khi đã tham gia thi là anh đều “ẵm” nhiều giải thưởng. Giờ đây khi đã ở độ chín muồi của công tác nghệ thuật, anh lại nhận ra rõ hơn rằng đề tài về lao động của người nông dân là bất tận, là nguồn cảm hứng lớn lao cho những sáng tác của mình. Ông Tư Nam, một người mộ điệu ca cổ tại xã Tân Lập đánh giá: “Anh Hải không những hát hay mà còn có những sáng tác mà tôi rất thích. Nhờ có anh Hải nhiệt tình hoạt động mà phong trào đờn ca tài tử tại Tân Lập phát triển mạnh, gần như là đứng nhất của huyện Tân Uyên”.

Nông thôn mới vào… ca cổ

Nhiều địa phương xây dựng NTM đã khẳng định tuyên truyền là một trong những công tác hết sức quan trọng. Công tác này nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần tích cực trong việc tập hợp quần chúng nhân dân cùng chung sức xây dựng. Là một cán bộ nông nghiệp, đã từng làm công tác tại Hội Nông dân xã nhiều năm, anh Hải biết rõ được ý nghĩa của công tác tuyên truyền với người dân. Với mong muốn góp phần chuyển tải những nội dung về xây dựng NTM đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, anh đã chọn phương thức viết những bài ca, dàn dựng các tiểu phẩm để tham gia biểu diễn cũng như tuyên truyền trên các kênh thông tin. Anh tâm sự, các nội dung của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thường rất “khô”, đòi hỏi khi tuyên truyền phải chính xác các nội dung. Trong khi đó, sáng tác nghệ thuật đòi hỏi phải có tính ước lệ. Vì vậy cái khó trong việc sáng tác những tác phẩm nghệ thuật về NTM đòi hỏi các nội dung “khô” phải hóa “mềm” để vừa đi vào lòng người nhưng cũng phải bảo đảm tính chân thực, chính xác.

“Anh Hải thực sự là một người có tài năng trong lĩnh vực ca cổ. Nhờ sự dẫn dắt của anh mà Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã phát triển và đạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho anh Hải phát triển được khả năng nghệ thuật của mình nhằm phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền về xây dựng NTM của địa phương”.

(Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập TRẦN HỮU HỒNG)

Với mỗi nội dung trong các tiêu chí xây dựng NTM đòi hỏi anh phải lựa chọn những thể loại sáng tác cho phù hợp. Những sáng tác về NTM tiêu tốn nhiều thời gian, tâm huyết của anh hơn so với sáng tác của các đề tài khác. Nhờ có kinh nghiệm biểu diễn trong thời gian dài cùng với những hướng dẫn của những người đi trước, anh Hải đã có được những tác phẩm về NTM được nhiều người dân đón nhận và đánh giá cao. Năm 2010, “đứa con đầu lòng” của anh viết về NTM là vở kịch ngắn có nội dung tuyên truyền về đời sống văn hóa nông thôn. Đến nay anh đã có 22 tác phẩm viết về đề tài xây dựng NTM. Các tác phẩm của anh đã được đem đi trình diễn tại các buổi diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, huyện… Anh Hải chia sẻ thêm: “Công việc hành chính tưởng chừng như khô khan nhưng lại hỗ trợ rất tốt cho việc sáng tác của tôi. Chính những lần đi công tác cơ sở, nắm được tâm tư của bà con mà tôi lại xác định được hướng sáng tác cho phù hợp. Bên cạnh đó, tôi cũng đã nhận được sự động viên, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng ủy, UBND xã và gia đình để tôi có thể vừa hoàn thành công việc chuyên môn, vừa có thể cho ra đời những tác phẩm hay phục vụ cho quê nhà”.

Điều mong muốn nhất của anh Hải khi viết các tác phẩm về đề tài NTM chính là có thể cho bà con nông dân hiểu sâu hơn về nội dung, ý nghĩa của chương trình chứ không phải vì muốn lấy “danh”. Vì theo anh, “nếu muốn có danh tiếng, có giải thưởng thì tôi đã chọn những đề tài khác vừa dễ sáng tác lại vừa có cơ hội nhận giải thưởng cao”. Năm 2010, anh đã trở thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và đã có nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt về sáng tác với bài ca “Đẹp mãi quê em” năm 2004 và giải 3 cá nhân năm 2006, giải nhất đề tài NTM năm 2013 tại Hội thi đờn ca tài tử huyện Tân Uyên; giải 3 thể loại trích đoạn cải lương về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hội thi giọng ca cải lương Bình Dương năm 2007… Tuy đã có những thành tích cao nhưng anh Hải vẫn còn nhiều trăn trở. Anh tâm sự, là “nghệ sĩ miệt vườn” nên những tác phẩm viết về NTM của anh cũng có tình trạng chung như nhiều nông sản hiện nay là “đầu ra” khó khăn. Tuy có nội lực sáng tác, cho ra nhiều tác phẩm nhưng “đất diễn” thì lại khan hiếm. Tuy nhiên, bất chấp những mặt hạn chế như trên, anh đã dặn lòng mình trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những tác phẩm viết về các tiêu chí cụ thể trong bộ tiêu chí xây dựng NTM và viết về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo hướng sâu hơn, uyển chuyển hơn để đến gần hơn với bà con.

CAO SƠN

Chia sẻ