Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 2: Vùng đất sản sinh ra các nghệ nhân
Có thể nói sự ra đời của sân khấu Bình Dương được bắt đầu từ những ngày đầu thế kỷ XX và phát triển mạnh mẽ từ khi có Đảng cho đến nay. Là công dân của Bình Dương, chúng ta có quyền tự hào với nền nghệ thuật sân khấu ra đời từ rất sớm của tỉnh nhà. Tự hào về Bình Dương, chúng ta càng tự hào về danh cầm Ba Còn (huyện Dĩ An), người đã khai sinh ra dây Ngân Giang, một trong 4 loại dây của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ ngày nay.
CLB Đờn ca tài tử Phú Giáo luyện tập chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 tại cầu Phước Hòa (Phú Giáo)
Theo lời kể của Nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi (nguyên là Trưởng đoàn hát bội TP.Hồ Chí Minh), tại tỉnh Thủ Dầu Một xưa đã sớm xuất hiện đoàn nghệ thuật hát bội của ông bầu Liêu, song thân của nghệ sĩ Ba Đắc (nhà hát nằm ở đường Lý Thường Kiệt, TP.Thủ Dầu Một, gần trường Tiểu học Lê Văn Tám, cạnh bờ rạch hiện nay). Đoàn hát bội của ông bầu Liêu có nhiều chuyện lạ. Tuy nhiên, chuyện lạ, chuyện hy hữu nhất mà đến nay nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ lớn tuổi vẫn hay nhắc lại cho em, cháu trong nghề nghe là chuyện về con ngựa thật trên sân khấu hát bội. Khoảng những năm 40, ông bầu Liêu có sáng kiến đưa con ngựa thật lên sân khấu, nhằm tạo ấn tượng lôi cuốn khán giả vốn đã quen với các hình thức mang tính tượng trưng, ước lệ. Để thực hiện ý đồ này, ông bầu Liêu mua cho gánh hát một cặp ngựa và giao hẳn cho một người chăm sóc. Ông cùng người chăm ngựa bỏ nhiều công sức để tập luyện cho đôi ngựa trở thành diễn viên sân khấu. Chính đôi ngựa này về sau đã đưa tên tuổi của gánh hát bầu Liêu vang xa và nổi tiếng một thời.
ĐCTT Bình Dương hình thành từ rất sớm. Mặc dù chưa có những nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này, nhưng có thể nói ĐCTT Nam bộ hay ĐCTT Bình Dương đều hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX và có nguồn gốc của nhạc cung đình Huế. Dòng nhạc này tháp tùng theo lớp lưu dân vào Nam lập nghiệp từ lưu vực sông Đồng Nai, Bến Nghé xuống tận vùng đất mũi Cà Mau. Trải qua năm tháng, riêng tại vùng đất Bình Dương cũng đã sản sinh ra những nhạc sĩ tài hoa và được nhân dân ca tụng là các nghệ nhân. Tại Phú Cường có nhóm nhạc tài tử nổi tiếng của cụ Nguyễn Văn Lâm (Út Lăng) cùng các nhạc công Tư Bộ, Bảy Đảng, Ba Thế, Năm Hường, Ba Rừng, Tư Còn... Ở Lái Thiêu có các cụ Chín Lựa, Ba Xinh, Ba Hương, Bảy Ai, Út Thính... Ở Dĩ An có cụ Ba Còn (dây Ngân Giang), Tám Thắng, Tư Hóa, Ba Bạn, Tư Rựa, Tư Bài, Sáu Lộc...
Một nhạc sĩ giỏi thuộc hàng nghệ nhân phải làu thông bài bản hoặc thuộc ít nhất 20 bài bản tổ, gồm: 3 Nam, 6 Bắc,
làu 10 bài thủ, bát ngự (tám bài ngự), Tứ Bửu (4 bài dâng vua). Không chỉ làu thông bài bản với những nhạc cụ thuần túy dân tộc như đàn tranh (thập lục), đàn nhị (cò), đàn kìm (nguyệt), sến, đoản... các nghệ sĩ tài hoa nói trên còn phát triển thêm ghita, violon, hạ uy di... để đệm cho cổ nhạc. Tự hào về một Bình Dương, cái nôi của ĐCTT, vùng đất sản sinh ra các nghệ nhân, chúng ta càng tự hào về danh cầm Ba Còn, người con ưu tú của huyện Dĩ An, người đã khai sinh ra dây Ngân Giang, một trong 4 loại dây của ĐCTT Nam bộ ngày nay. 4 Oán và 7 bài Bắc lớn và phải thuộc
Dù là vùng đất của ĐCTT, vùng đất sản sinh ra các nghệ nhân, nhưng từ những năm 1950 về sau, làng quê Bình Dương nói chung và chợ Bưng Cầu quê tôi nói riêng triền miên chìm trong lửa đạn chiến tranh nên người dân ít được tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật. Do vậy, ai biết chút ít ĐCTT là dân quý lắm. Thời ấy nhà cửa tối tăm, đèn dầu leo lét nên nhà ai có chiếc máy hát dĩa là sang lắm. May thay nhà tôi cũng sắm được cái máy hát dĩa. Hàng ngày, cả xóm cơm chiều xong là kéo đến sân nhà tôi trải chiếu để ngồi nghe hát dĩa. Chỉ loanh quanh mấy cái dĩa với các danh ca, như: Năm Cần Thơ, Ba Sa Đéc, Thành Công, Chín Sớm, Năm Phồi, Tám Thưa, Minh Chí... nên mỗi tuần trông cho nhanh đến tối thứ bảy để được nghe “trực tiếp truyền thanh” một vở tuồng cải lương của đoàn Hoa Sen hay Thanh Minh diễn tại rạp hát. Chỉ nghe thôi chứ không thấy diễn, vậy mà cũng đã lắm. Tôi vẫn còn nhớ như in các vở tuồng “trực tiếp truyền thanh”, như: Sầu vương biên ải, Biệt Kinh Kha, Bá Nha - Tử Kỳ, Tình Lan và Điệp, Kiếp hồng nhan, Văng vẳng tiếng chuông chùa...
Nghe riết thành ghiền, tôi lập ra gánh hát, tự viết tuồng cho bọn nhỏ tập hát, lấy nhà sau làm rạp dựng sân khấu, có phông màn và đu bay hẳn hoi... Lâu lâu đám nhỏ chúng tôi cũng tổ chức biễu diễn phục vụ bà con. Con nít ca diễn không hay, nhưng cũng được bà con vỗ tay tán thưởng rần rần. Ở cùng xóm với tôi có thằng bạn cũng hát hay, nên hễ có đám tiệc thì các ông thầy đờn đèo hai đứa chúng tôi bằng xe đạp đi hát, đến khuya, đến sáng mới về. Ở quê tôi có các thầy đờn, như: Năm Rô, Tám Xinh, Hai Rằng, Tám Thăm, Tư Ngàn... Mấy thằng nhóc chúng tôi thích ca hát nên thường tập hợp tại tiệm hớt tóc hay quán cà phê để học ca, học đờn. Năm 1960, thằng bạn hát của tôi theo đoàn hát cải lương về Sài Gòn. Tôi mê ĐCTT, mê cải lương nhưng quyết không đi theo bạn mà theo tiếng gọi của trái tim mình. Vào rừng theo cách mạng, nhưng tôi vẫn mang theo cây đờn trên lưng. Để rồi cùng với nó, tôi đã sản sinh ra nhiều bài vọng cổ, cải lương đáp ứng nhu cầu của bà con và lực lượng kháng chiến trong suốt những năm tháng ở chiến khu.
Nghệ sĩ NGUYỄN QUỐC NHÂN
(Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)