| 14-08-2021 | 06:31:09

Nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, ưu tiên cho điều trị

Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân phố Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xử lý các nội dung đề xuất, kiến nghị của Ban Dân vận Trung ương về tình hình người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trước đó, ngày 6/8, Ban Dân vận Trung ương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề nêu trên (văn bản số 303-CV/BDVTW), trong đó nêu lên nhiều đề xuất quan trọng.

21.910 công nhân, viên chức, lao động là F0

Theo Ban Dân vận Trung ương, tính đến ngày 6/8, hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam có ca mắc COVID-19, trong đó cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh 112.479 ca và Bình Dương 22.700 ca. Trong 10 tỉnh, thành phố có số ca nhiễm cao nhất cả nước, có 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Từ ngày 19/7 đến ngày 16/8, có 19/22 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê từ các cấp công đoàn, tính đến ngày 5/8, trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố, có 21.910 công nhân, viên chức, lao động là F0; 94.277 công nhân, viên chức, lao động là F1; 210.537 công nhân, viên chức, lao động là F2; 352.335 công nhân, viên chức, lao động nằm trong các khu vực phong tỏa/cách ly y tế; 63 trường hợp công nhân, lao động tử vong do COVID-19 hoặc do tiêm phòng COVID-19; có 4.164 doanh nghiệp phải tạm dừng, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất hoặc giải thể; 1.214.701 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

Nhìn chung, nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam đồng tình, ủng hộ, quyết tâm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư đối với đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch.

Nhân dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết," "ai ở đâu ở đấy" để tập trung ngăn chặn, chủ động phòng, chống, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt bệnh dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới."

Công tác an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Công nhân, người lao động, các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người trong khu vực cách ly chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh... được quan tâm, hỗ trợ, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm để không ai bị thiếu ăn.

Điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng "3 tại chỗ" cho công nhân, lao động còn rất hạn chế

 Nêu lên một số vấn đề cần quan tâm, Ban Dân vận Trung ương cho biết hiện nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; hàng trăm nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa và số lượng doanh nghiệp, công nhân lao động bị ảnh hưởng tiếp tục tăng lên hàng ngày.

Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh nếu thực hiện đúng "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ, làm việc), "1 cung đường-2 địa điểm" và đã có 4.671 doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 478.248 công nhân lao động "ăn-ngủ-làm việc" tại doanh nghiệp, 2.058 doanh nghiệp thành lập 7.115 Tổ an toàn COVID.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng "3 tại chỗ" cho công nhân, lao động còn rất hạn chế, việc "nghỉ tại chỗ" không có thiết kế từ đầu; áp dụng lâu dài giải pháp "3 tại chỗ" sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người lao động, nhất là người lao động có con nhỏ, bố mẹ già cần chăm sóc, khiến người lao động và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên người lao động phải hạn chế đi lại, đặc biệt người lao động đang ở trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly không thể đến công ty ký kết văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; thực hiện sao y, công chứng giấy tờ chứng minh mình đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, quyết định nuôi con nuôi... để hưởng chế độ theo Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ đến tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã được tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội khiến cho một bộ phận người lao động sẽ không được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ, mất quyền lợi bảo hiểm xã hội và mất cả quyền được hỗ trợ an sinh xã hội theo quy định.

Do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, các y, bác sỹ, tình nguyện viên tăng cường cho công tác phòng, chống dịch tại các địa phương phía Nam, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh rất cần thiết và sẽ còn tăng nên đặt ra vấn đề về cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện sinh hoạt, nhất là chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho các y, bác sỹ, tình nguyện viên phục vụ công tác, phòng chống dịch hiện nay và trong thời gian tới.

Liên quan đến tình hình chữa trị người nhiễm bệnh, theo Ban Dân vận Trung ương, tại Thành phố Hồ Chí Minh, do dịch bùng phát, lây lan nhanh nên việc chữa trị người nhiễm bệnh còn một số hạn chế, bất cập: các bệnh viện, các khu điều trị bị quá tải, thiếu xe cấp cứu; còn tình trạng ca nhiễm F0 chưa kịp đưa đến khu cách ly (chờ từ 3 đến 5 ngày) tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao, thậm chí có trường hợp bệnh nhân trở nặng tại nhà, lực lượng y tế chưa kịp cấp cứu dẫn đến tử vong, gây hoang mang, lo lắng, đau xót trong gia đình, người thân và những người xung quanh.

Việc trả kết quả test RT-PRC còn chậm, dẫn đến triển khai các biện pháp xử lý đối với trường hợp F0 không kịp thời. Còn tình trạng các bệnh viện chỉ tập trung cho việc điều trị COVID-19 mà không nhận các bệnh nhân cấp cứu các bệnh thường gặp như tai biến, đột quỵ, tai nạn giao thông... hoặc ngược lại, làm cho việc chữa trị bệnh nhân gặp trở ngại.

Hiện chưa có các con số cụ thể, tuy nhiên, tình trạng hàng hóa, nhất là nông sản, nhu yếu phẩm khan hiếm tại các đô thị, trung tâm nhưng lại dư thừa, mất giá tại nông thôn do thiếu, hạn chế các đơn vị vận chuyển, hoạt động của thương lái... dẫn đến nhiều bất cập nguồn cung và nhu cầu của người dân. Vấn đề này cần có khảo sát, nắm bắt cụ thể, nhất là ngành Công Thương và Nông nghiệp để có giải pháp khắc phục, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân ở khu vực đô thị, khu vực cách ly, phong tỏa và giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân.

"Lợi dụng tâm lý lo lắng của nhân dân và một số hạn chế nhất định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trên các mạng xã hội đã xuất hiện hiện tượng công kích, phản ứng với các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch của chính quyền. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có thể còn phức tạp, gây nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, đe dọa sức khỏe, tính mạng và xáo trộn đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn," báo cáo nêu.

Không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung

 Trên cơ sở đánh giá tình hình nhân dân trong công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Ban Dân vận Trung ương đề xuất Chính phủ bên cạnh việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cần thực hiện giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn về thủ tục để người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc ngừng việc được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23; tháo gỡ ngay khó khăn trong việc mua các trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị bệnh và trang bị bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe, tính mạng đội ngũ y bác sỹ tuyến đấu chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo cơ sở vật chất, cung ứng suất ăn cho công nhân đảm bảo sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch.

Chính phủ tập trung mọi nguồn lực và giải pháp nhằm giảm tình hình phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; quan tâm tiếp tục có chủ trương, chế độ chính sách chăm lo cho nhân dân trong thời gian tới; chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp nhà nước như điện, nước, xăng dầu, khí đốt, viễn thông... tiếp tục có phương án giảm giá, hỗ trợ người dân trong mùa dịch; chỉ đạo nắm bắt tình hình các doanh nghiệp để có phương án cho công nhân ở tại chỗ, hỗ trợ họ đảm bảo cuộc sống để khi hết dịch có thể tổ chức sản xuất, kinh doanh ngay, tránh để thiếu hụt nguồn nhân lực lao động sau dịch.

Cùng với đó, Chính phủ huy động lực lượng quân đội hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng để xây dựng các khu lưu trú, khu cách ly tập trung đảm bảo an toàn cho công nhân lao động tại các nhà máy có đông công nhân lao động, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo duy trì sản xuất an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Phối hợp cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đón công nhân lao động về quê đảm bảo an toàn, cách ly y tế đúng quy định và hỗ trợ kịp thời để người lao động tạm ổn định.

Xe lưu động đặt tại điểm tiêm chủng phục vụ cho người dân TP. Hồ Chí Minh trên 65 tuổi. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu vaccine mà vẫn có vaccine bị hết hạn; nghiên cứu sớm triển khai tiêm vaccine dịch vụ để các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tổ chức tiêm cho nhân viên, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; xem xét trong trường hợp cụ thể, có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ khu vực xuất hiện F0, không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, chỉ áp dụng khi có F0, đồng thời ưu tiên bệnh viện cho điều trị, đưa người cách ly ra khỏi bệnh viện trừ F0 nặng.

Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông thương tốt trong điều kiện tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và hỗ trợ phát triển kinh tế và kinh doanh từ vận tải, doanh nghiệp sản xuất từ các khu công nghiệp, khu chế xuất đóng góp hơn 50% GPD.

Đối với các tỉnh, thành phố, Ban Dân vận Trung ương đề nghị xem xét có kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động để duy trì sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ và việc làm, đời sống cho công nhân; hỗ trợ người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo khoản 12, Mục II, Nghị quyết số 68.

Cùng với đó, Ban Dân vận Trung ương đề nghị các tỉnh khi chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" phải đảm bảo sự đồng thuận của người lao động. Trường hợp người lao động không thể thực hiện "3 tại chỗ" mà phải ngừng việc thì doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Các địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn công nhân, người lao động được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại Điều 15, Quyết định số 23; không để các đối tượng yếu thế, nhất là người lao động thời vụ từ ngoại tỉnh, người tàn tật, độc thân, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ tại các trung tâm bảo trợ xã hội (nhất là các trung tâm ngoài hệ thống nhà nước) bị thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu phục vụ cuộc sống./.

Theo TTXVN

Chia sẻ