| 26-02-2020 | 09:21:09

Nghiên cứu thành công tác dụng kháng viêm của cây bá bệnh

Theo Đông y, cây có vị đắng, tính ấm, dùng chữa nhiều bệnh như: ăn không tiêu, tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ, ghẻ lở, mụn nhọt, đau mỏi lưng.

 

Cây bá bệnh mọc ở khắp nước ta nhưng phổ biến nhất ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Ninh…

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công tác dụng chống viêm từ cây bá bệnh.

Đề tài “Nghiên cứu phân lập nhóm hoạt chất alkaloid từ cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia) và đánh giá tác dụng kháng viêm trên in vitro và in vivo” do tiến sỹ Nguyễn Hải Đăng làm chủ nhiệm.

Cây bá bệnh hay còn được gọi là cây hậu phác, tho nan, sâm Alipas… thuộc họ thanh thất Simaroubaceae.

Loại cây này mọc ở khắp nước ta nhưng phổ biến nhất ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Ninh…

Ở Malaysia và Indonesia cây này được coi là một dược liệu quý với tên gọi phổ biến là Tongkat Ali. Người ta dùng quả, vỏ thân hoặc vỏ rễ phơi hay sấy khô làm thuốc.

Theo Đông y, cây có vị đắng, tính ấm, dùng chữa nhiều bệnh như: ăn không tiêu, tiêu chảy, nôn mửa, kiết lỵ, ghẻ lở, mụn nhọt, đau mỏi lưng.

Tiến sỹ Nguyễn Hải Đăng cho biết viêm được coi như một cơ chế phòng vệ sinh lý chủ yếu, giúp cơ thể tự bảo vệ chống lại nhiễm trùng, bỏng, hóa chất độc hại, chất gây dị ứng hoặc kích thích độc hại khác. Viêm không kiểm soát được có thể là một yếu tố dẫn đến các bệnh mạn tính. Hiện nay đã có một số loại thuốc kháng viêm giảm đau, tuy nhiên hầu hết những loại thuốc này đều có tác dụng phụ.

Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều hợp chất từ cây bá bệnh đã được phân lập với thành phần hóa học vô cùng phong phú và đa dạng.

Các nghiên cứu này chỉ ra các tác dụng đa dạng như: chống ký sinh trùng sốt rét, gây độc tế bào, tăng cường sinh dục, chống tiểu đường, chống viêm và phòng ngừa loãng xương.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã phát triển nhiều sản phẩm từ cây bá bệnh, chủ yếu tập trung vào các chế phẩm có tác dụng tăng cường sinh dục, bổ dưỡng. Tuy nhiên, cho đến nay tác dụng chống viêm của loài cây này chưa được chú ý nhiều.

Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã phân lập và xác định cấu trúc của 19 hợp chất từ rễ cây bá bệnh, đặc biệt trong đó có 4 hợp chất mới.

Về hoạt tính sinh học, đề tài đã đánh giá hoạt tính kháng viêm và các hợp chất phân lập từ rễ cây bá bệnh.

Thử nghiệm trên các đích sinh học phân tử xác nhận, hợp chất ELA của cây Bá bệnh ức chế hiệu quả biểu hiện của 2 enzyme liên quan đến quá trình viêm.

Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy hợp chất ELA có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ chuột bị chết do sốc nhiễm trùng.

Đề tài cũng đã chứng minh được hiệu quả kháng viêm trên mô hình chuột bị gây viêm./.

 (Theo TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ