Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều người tìm kiếm việc làm thêm trên không gian mạng để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Nắm bắt được nhu cầu trên, các đối tượng “giăng bẫy” người tìm việc bằng chiêu lừa tuyển dụng là chỉ cần xem phim, nghe nhạc rồi “thả tim”… và được trả lương!
Một tin nhắn mời chào tham gia nhóm để được nghe nhạc và lãnh lương
Xem phim có tiền
Xuất phát từ nhu cầu có thật về tăng lượt xem (view), lượt theo dõi (follow) các trang mạng về phim ảnh nhằm mục đích quảng cáo, một số đối tượng đã nhắm đến “con mồi” là những người có thời gian rảnh rỗi với mong muốn kiếm thêm thu nhập để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Vì tin vào những hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” mà nhiều người dân đã “sập bẫy” hình thức lừa đảo trên.
Cụ thể như trường hợp chị Phạm Thị Th. (SN 1986, ngụ phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng bằng hình thức “đánh giá phim có thu nhập cao”. Trước đó vào ngày 10- 3, chị Th. truy cập vào mạng xã hội để tìm việc làm trực tuyến thì được một đối tượng chưa rõ lai lịch gọi điện thoại đề nghị tham gia đánh giá phim trên mạng nhằm hưởng tiền hoa hồng. Chị Th. đồng ý, đăng ký tài khoản trên website: emmedia-asia.com theo hướng dẫn và thực hiện chuyển tiền cho đối tượng để hệ thống trang mạng phê duyệt cho rút tiền hoa hồng. Trong hai ngày 10 và 11-3, chị Th. đã chuyển gần 10,5 triệu đồng vào hai tài khoản ngân hàng mang tên Bui Tan Nghiep và Chau Ai Le. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chị Th. vẫn không rút được tiền hoa hồng từ tài khoản trên trang mạng về. Nghi ngờ bị lừa nên chị Th. đã trình báo cơ quan công an. Qua làm việc, chị Th. cho biết đối tượng còn liên lạc hối thúc chị tiếp tục chuyển 709 triệu đồng, nhưng do không còn tiền nên chị không làm theo yêu cầu của đối tượng.
“Nghe nhạc” được trả công
Phản ánh đến Báo Bình Dương, anh V.L. cho biết nhờ đọc được nhiều thông tin cảnh báo trên các báo chí chính thống mà anh đã tránh được “bẫy” nghe nhạc được lãnh lương.
Theo anh L., vào một ngày trung tuần tháng 3, anh nhận được cuộc gọi của một cô gái tự xưng là nhân viên công ty truyền thông muốn tìm người nghe nhạc để… trả lương. Khi anh L. đồng ý tham gia thì có một số điện thoại khác gọi cho anh và yêu cầu kết bạn qua Zalo với tài khoản Tran Bao. Qua trao đổi, người này mô tả công việc hết sức hấp dẫn là do yêu cầu tăng lượt nghe của nghệ sĩ nên phía công ty sẽ chuyển một đường link bài hát cho anh L., nhiệm vụ của anh là chỉ nghe và “thả tim”. Mỗi bài hát sau khi nghe xong và thả tim, sau đó chụp ảnh màn hình gửi cho nhân viên công ty thì anh L. được trả 10.000 đồng; mỗi ngày được nghe tối đa 7 bài hát. Ngoài ra, bên công ty sẽ trả “tiền lương” cho anh mỗi ngày là 300.000 đồng vào 20 giờ hàng ngày.
Mới nghe mô tả công việc, anh L. đã thấy mê ngay vì đúng sở thích của mình là nghe nhạc, nhưng lần này vừa được nghe nhạc vừa có tiền. Thấy anh L. tỏ ra hào hứng, đối tượng dẫn dụ anh vào một “mê cung” với các bước như tải ứng dụng về điện thoại để thực hiện các quy trình tiếp theo của công việc. Lúc này đối tượng luôn hối thúc anh L. thực hiện vì đã gần khóa sổ số người được nhận trong ngày. Tuy nhiên, được biết ứng dụng này tự xóa tin nhắn, có thể gây khó khăn cho việc chứng minh các giao dịch nên anh L. chần chừ. Khi nhân viên ra sức thuyết phục anh L. không được thì họ bỏ cuộc. Hôm sau tài khoản Tran Bao cũng tự xóa khỏi danh bạ Zalo của anh L.
Trước đây, Công an tỉnh đã nhiều lần cảnh báo lừa đảo qua mạng xã hội với hình thức, thủ đoạn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà của bị hại. Công an tỉnh cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa cho người dân để nâng cao cảnh giác đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng internet và mạng xã hội. Theo đó, người dân không tham gia đầu tư qua không gian mạng và chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Đặc biệt, không nhấn vào các đường link lạ cũng như nghe lời rủ rê việc nhẹ lương cao rất dễ bị lừa…
Bộ Công an cảnh báo lừa đảo qua mạng Ngày 28-3, tại hội nghị sơ kết công tác công an quý I-2023, triển khai công tác quý II-2023 do Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, đánh giá hiện nay thủ đoạn của các đối tượng là thông qua các mạng xã hội để kết bạn, lập tài khoản để kết bạn, giả danh người thân, các cơ quan chức năng để lừa đảo. “Các thủ đoạn trước đây như giả danh cán bộ tư pháp vẫn diễn ra và có một số thủ đoạn mới như giả danh cô giáo, bác sĩ gọi điện cho bố mẹ nói con bị tai nạn; mạo danh bố mẹ lừa đảo con; mạo danh nhân viên bưu điện…”, Trung tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh, đồng thời cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, công an các đơn vị, địa phương liên tiếp bắt giữ các đối tượng, các công ty sử dụng trạm phát sóng để phát tán tin nhắn lừa đảo và các đối tượng núp bóng công ty luật, công ty tài chính, cầm đồ lợi dụng mua bán nợ trái phép. |
T.PHƯƠNG - N.HẬU