| 05-07-2010 | 00:00:00

Người bắt trái cây “biết nói”

   Nghệ nhân Lê Ngọc Điệp (đứng giữa) trong lễ nhận giải thưởngNghệ thuật tạo hình bằng trái cây là một bộ môn nghệ thuật truyền thống. Theo nghề đã khó, giữ được nghề và sống bằng nghề còn khó hơn rất nhiều. Thế nhưng bằng lòng say mê nghệ thuật của mình, nghệ nhân Lê Ngọc Điệp (071A, ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương) không chỉ sống được với nghề, tạo ra nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao ở nhiều hội thi trong cả nước mà còn “truyền lửa” cho em và con mình gìn giữ và phát huy nghề nghiệp.

Vào nghề khó nhọc

Đã gặp chúng tôi nhiều lần tại các hội thi trong và ngoài tỉnh nhưng anh vẫn rất khiêm tốn và trầm tư khi nói về nghề. Hỏi mãi, anh mới kể về quãng đời đam mê nghệ thuật của mình. Anh kể: “Tôi vào nghề lúc 12 tuổi. Khi đó, tôi thường xuyên theo cậu ruột của mình là nghệ nhân Dương Văn On đi trang trí tại các lễ hội đình và lễ cưới. Nhiều lần thấy cậu mình dùng chất liệu bằng trái cây cắt, tỉa, gọt nhưng làm nên những con rồng, con phụng, những hình tượng đặc trưng cổ truyền dân gian nên tôi đã đam mê tự lúc nào cũng không biết nữa. Chỉ biết một điều là mỗi lần tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng trái cây là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm!”.

Vào nghề đã khó, còn giữ được nghề truyền thống còn khó hơn rất nhiều lần. Đặc biệt là thời kỳ đầu đổi mới của đất nước ta, người dân còn nghèo, chỉ lo cái ăn cái mặc nên không mặn mà lắm với các tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng trái cây cổ truyền. Lúc đó, muốn giữ nghề thì nghệ nhân thường tự sáng tác tác phẩm của mình để tặng cho các lễ hội hay đám cưới trong họ hàng, bạn bè. Còn nếu đã nhận tác phẩm để làm cho lễ hội, đám cưới thì chi phí không thấm vào đâu! Trong tình hình đó, để giữ được nghề, nghệ nhân Lê Ngọc Điệp và nhiều nghệ nhân khác trong cả nước đành phải sáng tác vì lòng say mê nghệ thuật là chính. Nói về vấn đề này, nghệ nhân Lê Ngọc Điệp, kể: “Trước những khó khăn như thế, nhiều lúc tôi tính bỏ luôn cái nghề bạc bẽo này nhưng nhờ cố nghệ nhân Phan Nhân (Q.12, TP.HCM) động viên nên tôi lại tiếp tục”. Cũng bằng lòng say mê nghệ thuật của mình nên tiếp theo sau đó, anh lại có nhiều ý tưởng hay, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, rực rỡ sắc màu trái cây, thể hiện nét văn hóa cổ truyền thật cầu kỳ và hiếm lạ.

Nhiều tác phẩm để đời

Năm 1991, Ủy ban MTTQ xã Phú Long, Thuận An tổ chức Hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây đầu tiên trong cả nước. Lúc đó chàng trai 25 tuổi Lê Ngọc Điệp rất mừng vì có dịp trổ tài. Ở hội thi này có 14 nghệ nhân trong cả nước tham gia, anh đã xuất sắc đoạt giải nhì. Từ lần đó trở đi, năm nào huyện Thuận An và tỉnh Bình Dương tổ chức hội thi, anh đều tham gia và có tác phẩm đoạt thứ hạng cao. 

Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức Hội thi “Tạo hình nghệ thuật bằng trái cây” được 14 lần thì anh đã có mặt 12 lần. Trong 12 lần đó, anh đều có giải. Lần gần đây nhất vào tháng 6-2010, anh đã xuất sắc đoạt HCV bảng B với tác phẩm “Tứ linh chào mừng ngàn năm Thăng Long”. Tác phẩm nghệ thuật này có trọng lượng khoảng 1 tấn trái cây, được anh chuẩn bị ý tưởng và tạo khung sườn từ trước đó 1 tháng. Trong đó, anh tìm kiếm nhiều loại trái lạ, quý hiếm như quả tha la, osaka, mỏ quạ, trái viết, trái bàng... để tạo cho tác phẩm có hồn.

Với cách bố cục sắc sảo, ý tưởng rõ nét, tác phẩm của anh đã thể hiện được cái hồn của 4 linh vật huyền thoại long - lân - quy - phụng để đón chào Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Ban giám khảo hội thi đánh giá tác phẩm của anh nêu bật được truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây - một truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Anh “bật mí”: Trong 4 linh vật ở tác phẩm đoạt HCV, anh đã bố cục một cách hài hòa, đúng vị trí, sắc hồn của linh vật như sống thật hướng về biểu tượng Quốc Tử Giám Hà Nội. Qua đó, giúp cho người xem hiểu rõ được ý nghĩa tác phẩm. Trong tác phẩm, Quốc Tử Giám được anh bố cục màu vàng nhưng nằm trong nền màu đỏ, thể hiện Quốc Tử Giám là hồn của Hà Nội, nằm trong lòng Việt Nam. Quả thật, có chứng kiến cảnh anh vất vả dựng tác phẩm trưng bày mới thấy hết được những kỳ công từ bàn tay khéo léo của anh. Nếu như lúc mới đem đến Suối Tiên tác phẩm chỉ là một đống trái cây hỗn độn nhưng chỉ trong một đêm miệt mài lao động, tác phẩm “Tứ linh chào mừng ngàn năm Thăng Long” đã trở nên sắc sảo, có hồn, cuốn hút được sự chú ý của Ban giám khảo và cả hàng ngàn người đến xem.

Hiện nay, anh vẫn sống được với nghề bằng nhiều “sô” đặt hàng ở các lễ hội, lễ cưới với những tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng trái cây có kích cỡ khổng lồ. Trong dịp Tết Nguyên đán 2010 vừa qua, chính anh và 2 nghệ nhân hỗ trợ là Nguyễn Văn Tấn (bạn anh) và Lê Thanh Trang (em trai anh) đã thực hiện tác phẩm “Hổ Đáo Kim Lai” khổng lồ đặt tại Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Tác phẩm này đã được đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam 2010. Anh nhớ lại: “Tác phẩm kỷ lục này ước khoảng 10 tấn trái cây với trên 50 chủng loại. Tác phẩm đã gây ấn tượng với đông đảo du khách tham quan”. Ở tác phẩm này, anh đã làm nổi bật ý nghĩa “chú cọp oai vệ” đón chào xuân Canh Dần 2010 và gợi cảm xúc mạnh mẽ cho người xem thấy được ý nghĩa của cội nguồn dân tộc trong thế “hổ hoài sơn”. Tuy nhiên để hoàn thành được tác phẩm kỷ lục này, anh đã trăn trở gần 1 tháng để có bảng thiết kế và khung sườn. Sau đó, anh cùng đồng nghiệp của mình thực hiện suốt trong 25 ngày.

“Truyền lửa” cho thế hệ kế thừa

Trong suốt thời gian qua, ngoài việc say mê bộ môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây và gặt hái được nhiều thành công trong nghề, nghệ nhân Lê Ngọc Điệp còn “truyền lửa” cho 2 em mình là Lê Thanh Trang, Lê Ngọc Bích gặt hái được nhiều thành công trong nghề với các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, rực rỡ sắc màu trái cây. Có một điều đáng khen ngợi nhất là trong Hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” do Sở VH-TT & DL TP.HCM và Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức, Bình Dương có 5 cá nhân đoạt giải thưởng thì gia đình anh đã “ẵm” 3 giải. Ngoài anh đoạt HCV bảng B thì Lê Thanh Trang đã đoạt HCĐ bảng B với tác phẩm “Ngàn đời nhớ Bác”. Lê Ngọc Bích đoạt HCĐ bảng C với tác phẩm “Chào mừng World Cup 2010”.

   Nghệ nhân Lê Ngọc Điệp bên tác phẩm đoạt HCVCon lớn của anh là Lê Ngọc Oanh đang theo học Đại học Hùng Vương (TP.HCM) cũng đã được anh “truyền lửa” nghề truyền thống độc đáo này từ rất sớm. Chỉ mới có 2 tác phẩm dự thi, nhưng nghệ nhân nhỏ tuổi này rất say mê nghề truyền thống gia đình. Mỗi lần nghe tin cha tham dự hội thi hoặc sáng tác tác phẩm mới là Oanh tức tốc đòi đi theo để tiếp tục được anh “truyền lửa. “Nghề này chủ yếu là truyền cho nhau trong gia đình. Qua cách mài giũa của tôi, hy vọng rằng con mình sẽ tiếp tục gìn giữ nghề và có những sáng tạo riêng ” - nghệ nhân Lê Ngọc Điệp, tâm sự.

Điểm khó nhất trong bộ môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây là nghệ nhân phải có ý tưởng phong phú, rồi sau đó tạo khung sườn, tìm nguyên vật liệu hợp lý, sắp xếp, kết cấu đường nét của tác phẩm hài hòa. Những điểm khó này, anh không chỉ vượt qua mà ở anh còn hội tụ tính ôn hòa, trầm lặng, kiên trì. Do đó, tác phẩm của anh sáng tạo luôn tinh tế, đi vào lòng công chúng. Cụ thể nhất là trong cách sáng tạo con lân hay con phụng, anh luôn làm cho con vật sống động, có hồn ở bất kỳ tư thế nào. Anh luôn quan niệm rằng, để có một tác phẩm hay, nghệ nhân không chỉ am hiểu nghề mà tâm hồn phải thanh cao, sáng tạo và am hiểu sâu sắc lĩnh vực mình thực hiện tác phẩm. Do đó, trong thời gian qua, anh cũng đã thành công nhiều tác phẩm nói về hình ảnh Bác Hồ và gửi vào đó một cái tâm. Các tác phẩm: “Ước mơ và hiện thực”, “Đất Việt oai hùng”, “Nhớ mãi ơn Người”, “Niềm tin tiến bước” đoạt giải thưởng cao đã minh chứng cho điều đó.

HỒ VĂN

Chia sẻ