Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
"Khi siêu bão số 3 Yagi đổ bộ vào đất liền có cần ở nhà để tránh bão?" là câu hỏi của nhiều người dân TP.HCM khi chứng kiến hàng loạt sự cố cây ngã đổ gây chết người trong những ngày qua.
Bão chưa vào đã có giông lốc mạnh, người chết
Ba ngày trước khi siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền khu vực miền Bắc nước ta, tại TP.HCM và một số tỉnh thành Nam bộ đã ghi nhận những thiệt hại đầu tiên liên quan tới cơn bão mạnh này. Không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn thiệt hại cả về nhân mạng nên người dân cần đề cao tinh thần phòng tránh bão.
Một nhánh cây bị tét và rơi ngay cổng Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Q.1, TP.HCM)
Cụ thể tại TP.HCM, chiều 4.9, hàng loạt cây xanh ở nhiều tuyến đường đã bị giông lốc quật ngã. Ngay tại khu vực trung tâm thành phố nơi có nhiều người qua lại, một cây dầu cổ thụ trong công viên 30.4 (Q.1) bị bật gốc, ngã thẳng về hướng đường Pasteur và một phần ngọn cây đổ thẳng ra lề đường. Cách đó không xa, ngay trước cổng Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1), một nhánh to của cây dầu cổ thụ cũng bị tét rơi xuống khiến cánh cổng của cơ quan này hư hại hoàn toàn. Cạnh đó, một chiếc ô tô đậu bên trong cũng bị cây rơi trúng gây hỏng nặng. Ngoài ra, còn hàng loạt sự cố khác tương tự xảy ra ở khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố. Thương tâm nhất là trường hợp bà C.T.K khi đang đi trên đường An Dương Vương (P.3, Q.5) thì bị nhánh cây xanh gãy rơi vào đầu, được người dân hỗ trợ và báo cấp cứu chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đã tử vong.
Cũng cần phải nói thêm, mới cách đây gần 1 tháng đã xảy ra tình trạng cây ngã gây chết người ở công viên Tao Đàn (Q.1). Nhắc đến chi tiết này để thấy rằng dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng mối nguy hiểm do cây đổ ngã vì giông lốc là rất đáng quan tâm.
Cũng trong ngày 4.9, tình trạng mưa giông gây thiệt hại nặng cũng được ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Long. Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, mưa lớn kèm giông lốc đã làm thiệt hại hoàn toàn 1 căn nhà và 1 nhà kho tiền chế, tốc mái 17 căn nhà, 1 trạm xăng cùng 1 xưởng gỗ. Không chỉ thế, còn có 32 cây xanh bị ngã đổ... khiến 1 người dân bị thương.
Trước hàng loạt sự cố do thiên tai, chị Nguyễn Minh Khuê (ở Q.3, TP.HCM) cho hay hôm trước khi đi qua giao lộ giữa đường Cách Mạng Tháng 8 với Nguyễn Thị Diệu (P.Võ Thị Sáu, Q.3), chị thấy một cây cổ thụ ngã chắn ngay trước mắt. "Điều này khiến tôi khiếp vía vì trước giờ chỉ thấy thông tin trên báo đài. Đó không phải là trường hợp duy nhất, xem tin tức trên báo mới thấy cây ngã đổ khắp nơi. Tôi thấy các chuyên gia khuyến cáo người dân vùng bão ảnh hưởng trực tiếp nên trú tránh bão trong nhà vào sáng 7.9, không biết ở TP.HCM bão sẽ ảnh hưởng thế nào, liệu có phải ở yên trong nhà để tránh bão?", chị Khuê nói.
Cùng tâm trạng lo lắng đó, chị Nguyễn Thị Thanh, bán nước giải khát trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, quyết định ở nhà nguyên ngày hôm nay 7.9 cho an toàn. Bởi lẽ bản thân chị Thanh tận mắt chứng kiến cơn mưa giông chiều 4.9 đã cuốn chiếc xe nước, phương tiện mưu sinh của chị, văng xa 3 - 4 m.
Thận trọng để tự bảo vệ
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), khuyến cáo từ sáng nay người dân nên ở nhà vì dự báo bán kính hoàn lưu của bão Yagi rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.
Đối với tình hình thời tiết TP.HCM và khu vực Nam bộ, Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Dải hội nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với cơn bão số 3 khiến gió mùa tây nam hoạt động với cường độ mạnh. Do đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, hoàn lưu bão rất rộng, nên bão sẽ kích động làm gió mùa tây nam mạnh lên. Trong những ngày tới, Nam bộ và TP.HCM xảy ra mưa to, giông, sét, gió giật nhiều. Người dân, đặc biệt ở TP.HCM, cần đề phòng hiện tượng cây gãy đổ dẫn đến thiệt hại về người và tài sản như những ngày gần đây. Mọi người nên thận trọng bảo vệ tính mạng và tài sản.
Tương tự, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo: Theo mô hình dự báo của Mỹ, khi bão Yagi đổ bộ vào ven biển miền Bắc nước ta, cấp gió ở vùng gần tâm bão vẫn rất mạnh - đạt cấp 14 và giật cấp 16 - 17. Hoàn lưu bão có gió đạt từ cấp 6 trở lên, bao trùm cả miền Bắc và các tỉnh bắc miền Trung. Nam bộ tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng trong mấy ngày qua chúng ta thấy xuất hiện hiện tượng mưa to, giông, lốc mạnh ở nhiều nơi. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này rất nguy hiểm và người dân nên chủ động phòng tránh. Trong những ngày này, người dân nên hạn chế ra đường khi không cần thiết, nếu có việc cần phải ra đường thì nên thận trọng và trang bị các dụng cụ bảo hộ cần thiết như nón bảo hiểm... Đặc biệt chú ý vào thời điểm chiều tối thường xảy ra giông lốc mạnh. Ngoài ra, khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ cần đề phòng mưa lũ gây sạt lở đất.
Bà Lan cũng lưu ý dù chịu ảnh hưởng bão một cách gián tiếp bởi nằm ở rìa phía nam của hoàn lưu bão nhưng miền Nam và vùng biển phía nam của Biển Đông cũng có gió rất mạnh, sóng biển cao 3 - 4 m, các phương tiện tàu thuyền di chuyển trên biển, sông cần chú ý phòng tránh các trường hợp đáng tiếc.
Theo TNO