Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bà Võ Thị Thượng, 65 tuổi, một trong hai bệnh nhân ghép thận đợt đầu ở Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1992, nay vẫn sống khỏe mạnh.
Ngày 16/3, bà Thượng (ngụ Long An) hội ngộ các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhân kỷ niệm 30 năm ghép thận, chia sẻ "vẫn nhớ như in". Năm đó bà 34 tuổi, đã có hai con, đột nhiên phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, điều trị ở Chợ Rẫy.
"Tôi nghĩ mình đã bị treo án tử rồi", bà Thượng nhớ lại, thêm rằng con đường sống lúc đó rất mờ mịt vì gia đình không có khả năng cho bà đi nước ngoài ghép thận, mà chạy thận nhân tạo mãi thì cơ thể chịu không nổi. 5-6 tháng chạy thận nhân tạo, bà mệt mỏi vô cùng, da sạm đi, không thể ăn uống được.
Thời điểm đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy có rất nhiều người chờ được ghép thận. Bà may mắn được chọn là một trong hai bệnh nhân đầu tiên. "Tôi mừng chứ không sợ, thà ghép lỡ có rủi ro cũng không sao, chứ chạy thận mãi khổ hơn là chết nữa", người phụ nữ chia sẻ.
Ca ghép thận diễn ra ngày 29/12/1992, chi phí được tài trợ hoàn toàn, người hiến thận là cha của bà Thượng. Bà nói rằng vốn dĩ cha của bà tính nhát "bệnh nhẹ cũng rên". Thế nhưng khi được hiến thận cho con, ông rất mừng, ghép xong còn cúng heo quay cảm ơn.
Sau ghép thận, bà Thượng ăn uống ngon miệng, tăng cân 9 kg trong 4 tháng nằm viện. Bà phải duy trì uống thuốc chống thải ghép mỗi ngày. Thời gian đầu, bà gặp nhiều tác dụng phụ như nổi mụn, rậm lông, cơ thể khó chịu, dễ cáu gắt vì chưa quen thuốc. May mắn, chồng bà luôn chăm sóc, đồng hành cùng vợ từ ngày đầu phát hiện bệnh đến bây giờ.
Người ghép thận cùng đợt đầu tiên với bà Thượng cũng sống khỏe, qua đời cách đây ít lâu.
Bà Võ Thị Thượng và chồng tại Lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 16/3.
Chia sẻ về hai ca ghép thận đầu tiên này, PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu, chia sẻ ông và GS.TS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, khi đó đã ở lại Chợ Rẫy hoàn toàn trong một tuần, theo dõi liên tục bệnh nhân sau ghép.
"Nhìn thấy bệnh nhân lần đầu tiên có nước tiểu từ quả thận ghép, hạnh phúc vỡ òa, chúng tôi không thể diễn tả được cảm xúc", tiến sĩ Sâm nhớ lại. Thận là cơ quan có chức năng lọc máu và chất thải cho cơ thể. Chất thải tiết ra vào dịch lọc hình thành nước tiểu. Chính vì vậy, bệnh nhân có nước tiểu sau ghép thận chứng tỏ quả thận mới hoạt động tốt, tức ca ghép thành công.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thành công của những ca ghép thận đầu tiên đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ghép thận nói riêng và lĩnh vực ghép tạng nói chung tại bệnh viện. Hiện nay ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy, được xem là một trong các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiệu quả, thời gian sống kéo dài và chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị thay thế thận khác.
"Người bệnh có thể trở lại cuộc sống đời thường", bác sĩ Thức nói và cho biết thêm ghép thận được đánh giá là một trong 10 thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ 20.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nói rằng để thực hiện ghép tạng nói chung và ghép thận nói riêng, không thể thiếu được nguồn tạng từ người hiến. Số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tại Việt Nam đã tăng mạnh qua các năm, từ 265 người năm 2014 lên thành 62.555 người năm 2022. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy có số người đăng ký cao nhất, chiếm 50% cả nước.
"Đó là sự cho đi một phần cơ thể để đem lại sự sống cho rất nhiều người khác", ông Thuấn nói, thêm rằng mô, tạng hiến tặng là món quà vô giá, bởi đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh cần tạng hiến.
Sau 30 năm, tính từ năm 1992, Việt Nam đã thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng thành công. Trong số này có hơn 6.000 ca ghép thận, Bệnh viện Chợ Rẫy đóng góp 1.126 trường hợp. Riêng từ năm 2016 đến nay, bệnh viện đã ghép hơn 500 ca thận, tức trong 6 năm qua tăng gấp đôi số ca ghép so với giai đoạn trước.
Ca ghép thận đầu tiên từ năm 1992, bệnh viện được sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Đến năm 1998, các bác sĩ Việt Nam tự lực triển khai. Năm 2008, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thận từ người hiến chết não đầu tiên Việt Nam. Đến năm 2015, nơi này tiên phong ghép thận thành công cho hai người nhận từ người cho tim ngừng đập, mở ra nguồn tạng hiến mới. Năm 2017, bệnh viện lần đầu ghép thận chéo (đổi người hiến) và năm 2021 thực hiện ca ghép không cùng nhóm máu đầu tiên cả nước.
Theo VNE