| 03-08-2021 | 11:00:08

Người giao hàng không đồng và chuyến xe yêu thương…

Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, trước tình hình giao nhận hàng khó khăn, chuỗi cung ứng thực phẩm có lúc, có nơi bị “tắc” khiến cho việc đơn giản hàng ngày như đi chợ đã gặp không ít phiền toái. Đứng trước khó khăn trên, các đoàn thể trong tỉnh đã có những mô hình kịp thời giải bài toán này, trong đó có việc giao hàng miễn phí và chở hàng đến tận phòng trọ cho công nhân lao động qua những chuyến xe yêu thương…


Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Định, Bắc Tân Uyên chuẩn bị hàng theo đơn nhờ mua của người dân để giao tận nơi

Đội… shipper tóc dài

Đứng trước khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, do mất việc làm khiến không ít công nhân, người lao động tự do đã bỏ về quê bằng hình thức tự phát. Họ đi theo từng đoàn, từng nhóm vượt hàng ngàn cây số để tìm về quê hương. Để giúp người dân “ở yên” cùng chung tay chống dịch, hơn ai hết, những cán bộ, tổ chức đoàn thể cấp cơ sở đã vào cuộc và phát huy vai trò của mình, bởi họ nắm được tình hình cụ thể nhất những ai đang khó khăn, từ đó mới có hướng giúp đỡ kịp thời. Cũng chính những người cán bộ cấp cơ sở này đã đi từng ngõ, gõ cửa từng… phòng trọ để trấn an tinh thần, giúp công nhân bình tĩnh ở lại Bình Dương tránh dịch.

Sau khi thuyết phục người dân ở lại thì việc chăm lo cái ăn hàng ngày cho họ là vấn đề cấp thiết. Bà Phan Thị Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Tân Uyên, cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Tân Uyên chưa quá căng thẳng như ở các nơi khác nhưng cán bộ phụ nữ các cấp đã phát động phong trào, phân công nhau hỗ trợ người dân khó khăn, trong đó tập trung chăm lo, giúp đỡ công nhân xa quê đang sống và làm việc trên địa bàn huyện. Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên đã phát động cán bộ hội từ huyện đến cơ sở làm tình nguyện viên, trực tiếp giao hàng đến cho người dân. Đối với các xã, thị trấn thì mỗi nơi có 3 - 5 người tình nguyện tham gia. Các chị kết nối với nhau trong nhóm để cùng nhận đơn hàng, đi chợ, giao nhận hàng tại khu cách ly, các hộ dân bị phong tỏa y tế tạm thời.

Những ngày qua, trên những cung đường về các xã của huyện Bắc Tân Uyên, người ta thấy hình ảnh của cán bộ hội các xã, thị trấn rong ruổi ngược xuôi. Có 50 chị tham gia đội quân shipper không tính phí này. Bằng nhiều hình thức, các chị đã hỗ trợ người dân là đối tượng hộ khó khăn, khu cách ly... giảm thiểu tối đa việc người dân ra khỏi nhà đi chợ hàng ngày. Công việc của các chị tiếp nhận đơn hàng của người dân, sau đó hỗ trợ mua giá bình ổn vào 11 giờ ngày hôm trước và giao hàng vào ngày hôm sau. Nhiều nữ công nhân cho biết họ thật sự cảm động khi được giao hàng tận nơi như vậy. “Hàng ở quê mẹ em gửi qua đường bưu điện rất lâu mới nhận được, mua hàng online thì shipper không giao vì qua nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh nên họ ngại. Mấy chị em ở dãy trọ bữa giờ chia nhau từng cân gạo, bó rau. Nay được cán bộ phụ nữ, các chú bên Hội Cựu chiến binh nhận giao hàng giùm và có nhiều món nhu yếu phẩm được hỗ trợ miễn phí, tụi em mừng lắm” - Nhung, một công nhân ở Hậu Giang quyết định ở lại phòng trọ chứ không về quê trong dịp này cho biết như vậy.

Tại phường Phú Mỹ và một số nơi khác của TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An… các chị cũng đã đăng ký tình nguyện làm người giao hàng miễn phí, đi giao tận nơi khi có công nhân yêu cầu. Mỗi ngày họ lên vài chục đơn hàng và “đi chợ giùm bạn” để những người ở khu cách ly yên tâm ở nhà vẫn có thực phẩm để nấu ăn hàng ngày. Tại phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, nhiều nữ công nhân đang ở lại phòng trọ (đã phong tỏa y tế do công ty có F0) bối rối không biết cách nào đi chợ thì cán bộ Hội LHPN phường Lái Thiêu kịp thời đem rau củ quả đến tiếp tế. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, các chị sẽ nhận đi mua hàng giùm hoặc tìm từ các nguồn cứu trợ để đem trao tặng. Điểm nhận hàng là các chốt kiểm dịch gần khu trọ. Tất cả làm việc bằng tinh thần đùm bọc, san sẻ cho nhau.

Những chuyến xe yêu thương…

“Đi nhận hàng cứu trợ thôi, hàng tới chốt kiểm soát rồi”, sau câu nói… nhẹ hều đó là cả một khối lượng công việc đồ sộ mà những người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm nay buộc phải… mạnh mẽ! Bởi họ trân trọng tình cảm của các tỉnh, thành bạn gửi về qua hạt gạo, bó rau. Bởi họ trân trọng sự sẻ chia trong mùa dịch bệnh khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước như thế này. Từng chuyến hàng từ Tây nguyên về, từ miền Bắc, miền Trung vào, từ miền Tây lên được Văn phòng Hội LHPN tỉnh phân công chị em đi tiếp nhận, lưu kho, nhập số liệu và phân bổ về các đơn vị. Họ cứ âm thầm làm như vậy hơn cả tháng nay không kể ngày đêm, không có thứ bảy, chủ nhật dành riêng cho gia đình. Hàng chục tấn hàng đã “cập bến” và được phân phát bằng chính sự chịu thương, chịu khó, bằng tinh thần trách nhiệm của cán bộ hội từ cấp tỉnh đến từng tổ dân phố.


Công nhân ở nhà trọ Đông Giang (TX.Tân Uyên) nhận hàng từ Chuyến xe nghĩa tình

Đồng hành, quan tâm, sẻ chia khó khăn cùng hội viên phụ nữ, đặc biệt là nữ công nhân nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Tân Vĩnh Hiệp (TX.Tân Uyên) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Hội LHPN cũng đã phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam phường trao 100 phần quà hỗ trợ hội viên phụ nữ, nữ công nhân nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 13 triệu đồng. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Chuyến xe yêu thương” của Hội LHPN phường Tân Vĩnh Hiệp. Hàng ngày, các chuyến xe yêu thương chở rau củ quả, gạo, mì gói sẽ đến từng khu nhà trọ phân phát cho các chị em ở phòng trọ đang tự cách ly ở nhà.

Hội LHPN huyện Phú Giáo với những chuyến xe “cây nhà lá vườn, quà quê” là nông sản của huyện từ mít, đu đủ, bắp tươi, trứng gia cầm… đi đến từng khu cách ly trong huyện để phân phát cho người đang cần. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, cho biết hội đang tiếp tục vận động từ các nguồn để tặng quà cho những người dân cách ly tập trung tại trường Tiểu học Vĩnh Hòa A, trường Tiểu học Vĩnh Hòa B và các điểm cách ly khác trong toàn huyện về nhu yếu phẩm gồm nước suối, mì gói, bánh, sữa... “Chúng tôi rất cám ơn những tấm lòng vàng đã cùng san sẻ, yêu thương giúp cho người dân trong khu cách ly, người dân đang khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19”, bà Bích Vân chia sẻ.

Một khi được bảo đảm về việc ăn uống hàng ngày, được hỗ trợ để tiêm vắc xin, được chăm sóc khi không may mắc bệnh là những điều mà ai ai cũng mong mỏi. Người lao động nghèo sẽ vẫn chọn ở lại Bình Dương cùng chung tay hoàn thành “cuộc chiến” chống dịch lần này. Họ sẽ tiếp tục ở lại mảnh đất này để làm ăn, sinh sống bởi đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Rồi sẽ không còn từng đoàn người nối theo nhau về quê. Rồi nhịp sống sẽ nhộn nhịp trở lại. Tôi vẫn tin và mong như thế khi đâu đó vẫn có những con người nối liền mạch yêu thương qua những chuyến hàng với lưng áo đẫm mồ hôi, với gió bụi đường quê mà chan chứa tình người…

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết trong hơn 2 tháng qua, các cơ sở hội đã tùy vào tình hình thực tế của địa phương mà có những cách làm phù hợp giúp người khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau. “Với đức tính cần cù, chịu khó, các chị đã thấu hiểu và chia sẻ từ những việc nhỏ nhất như gửi đồ dùng cá nhân, những vật dụng thiết yếu cho chị em ở khu cách ly, khu phong tỏa y tế… Nhiều cách làm hay có thể kể đến như phiên chợ online 0 đồng, tặng quà cho phụ nữ mang thai và trẻ em, đi chợ giùm bạn, chuyến xe nghĩa tình, đưa rau từ ruộng đến chợ 0 đồng phục vụ công nhân xa quê…”

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ