| 25-11-2011 | 00:00:00

Người giữ lửa cho “chiếu chèo” tại Bình Dương

Không qua trường lớp dạy sáng tác chèo, tấu hài nhưng hai vợ chồng ông Trần Sỹ Khoản và bà Trần Thị Cúc (tên thường gọi là ông bà Chanh), ngụ tại ấp 3, xã Hưng Hòa, huyện Bến Cát, không chỉ nổi danh “hát hay, đàn giỏi” mà còn có tài “tự biên, tự diễn” các tiết mục chèo, tấu hài với nội dung sâu sắc, được đông đảo nhân dân trong vùng yêu thích. Ông bà Chanh cùng nhau chăm sóc vườn cây thuốc nam

Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Hòa Hoàng Thị Ngân Hà, tôi ghé thăm gia đình ông bà Chanh. Căn nhà đầy những cây thuốc nam, ít người biết rằng ẩn sau những hàng thuốc nam này là tiếng trống chèo, tiếng độc tấu hài đặc trưng của miền Bắc. Ông bà Chanh quê gốc Nam Định, năm 1987, ông bà theo các con vào Bình Dương lập nghiệp. Xa quê hương, sống nơi đất khách, cả nhà đã cùng nhau cố gắng để xây dựng một cuộc sống ấm no. Sau khi các con “yên bề gia thất”, ông bà cùng nhau an hưởng tuổi già và tích cực tham gia công tác Hội Người cao tuổi của xã. Cũng từ đó, niềm đam mê sáng tác chèo, tấu hài lại có cơ hội phát triển trong ông.

Ông tâm sự: “Tôi mê hát chèo từ khi tóc còn để chỏm. Lớn lên, mỗi khi nghe tiếng trống chèo ngoài đình là trong lòng đã nhộn nhịp. Từ ngày vào Bình Dương mưu sinh, tất bật với công việc buôn bán, tôi và vợ đã để tiếng hát chèo quê mình vắng lặng. Nhiều đêm, tôi không ngủ được, tự ôn lại những điệu chèo của các cụ để lại mà thấy lo cho một di sản văn hóa của quê hương liệu có bị mai một. Rồi những ngày lam lũ với công việc, nhớ quê hương, nhớ tiếng trống chèo da diết, tôi hằng mơ ngày an nhàn để lại được hát chèo”.

Tuy không được đào tạo một cách bài bản, nhưng với tình yêu nghệ thuật, ông Chanh đã tự học hỏi các điệu chèo cổ truyền và nghệ thuật biểu diễn. Vừa sáng tác và dàn dựng các vở diễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa, văn nghệ của các tầng lớp nhân dân trong xã vào những dịp lễ, tết, thi thố, giao lưu. Những lúc xã có đợt tuyên truyền về Luật Hôn nhân - Gia đình, kế hoạch hóa gia đình, bạo lực gia đình, an toàn giao thông, ma túy, mại dâm... ông đều cố gắng sáng tác các vở chèo, tấu hài thể hiện đúng nội dung tuyên truyền. Theo ông Chanh, ông sáng tác chèo, tấu hài theo phong cách riêng, nghĩ gì viết đó. Viết xong, ông xem lại và chọn những câu, từ hợp vần đưa vào để câu văn thêm sinh động, bóng bẩy. Người sáng tác chèo, tấu hài biết sử dụng những ngôn ngữ câu nói chân chất, sự việc thiết thực, gần gũi càng dễ lay động lòng người. “Để sáng tác được một vở chèo, vở tấu hài, đi bất kỳ đâu, nơi nào ông đều suy ngẫm về chủ đề mình đang sáng tác. Bởi vậy, bên cạnh ông ấy luôn có cây bút, cuốn sổ. Có nhiều hôm đang ngủ ông bật dậy, cầm bút viết lia lịa, sau đó đi ngủ tiếp. Thấy ông đam mê vậy, nên tôi cũng lấy làm vui”, bà Chanh chia sẻ. Từ niềm đam mê của mình, ông Chanh đã động viên bà Chanh cùng tham gia. Sẵn với chất giọng Bắc bộ phù hợp với làn điệu chèo, các vai diễn tấu hài, ông đã sáng tác nhiều tiểu phẩm để bà và ông cùng diễn. Hai vợ chồng tạo thành một cặp đôi diễn ăn ý trên sân khấu. Từ đó, cái tên “ông bà Chanh chèo, tấu hài” được mọi người nhớ đến.

Trong suốt thời gian sáng tác, biểu diễn, ông bà Chanh luôn khắc sâu những lời dạy của Hồ Chủ tịch. Trong mỗi vai diễn, ông bà luôn “suy - nghĩ - kỹ”, từ đó, không ngừng học hỏi, tìm tòi diễn xuất để lột tả được tính cách nhân vật trung tâm, góp phần cùng với tập thể dàn dựng thành công vở diễn, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Không những viết chèo, tấu hài, ông còn sáng tác thơ gửi đăng trên tập thơ “Gương sáng” của Hội Người cao tuổi huyện Bến Cát. Ở cái tuổi “mắt mờ, sức tận”, điều tâm huyết đối với ông bà là được “chân phách, tay sênh” rồi “truyền nghề” cho lớp trẻ. Bởi vậy, ông thường xuyên chỉ dạy hát chèo cho con cháu, những bạn trẻ đam mê. Bằng sự đam mê và tinh thần trách nhiệm với mong muốn giữ lấy làn điệu chèo, ông bà Chanh luôn được bà con yêu mến và trân trọng.

Không giấu được niềm vui, ông chia sẻ, những người con Nam Định xa quê như chúng tôi hiện đang sống trong huyện Bến Cát mới thành lập Hội đồng hương. Thông qua, Hội đồng hương Nam Định, chúng tôi lại có dịp được thể hiện những vở chèo cổ của quê hương. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của quê hương xứ Bắc tại Bình Dương. Hy vọng những mơ ước của ông Chanh sẽ thành hiện thực, từ đó nền văn hóa tại đất Thủ sẽ càng thêm đa dạng, phong phú.

THIÊN LÝ

Chia sẻ