Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Cất công sưu tầm tư liệu, những bài báo có giá trị lịch sử và giữ gìn hàng chục năm qua, ông Nguyễn Tiến Bình, cựu chiến binh chiến trường Campuchia, cán bộ ngân hàng đã nghỉ hưu ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát dành tâm huyết của mình chia sẻ những tư liệu qúy giá, các bài báo ghi lại những khoảnh khắc lịch sử qua các cuộc kháng chiến dành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Bộ sưu tập 1-0-2
Những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), chúng tôi có dịp đến thăm ông Nguyễn Tiến Bình để tìm hiểu về “kho tàng vô giá” mà ông sở hữu với hàng trăm tờ báo phát hành qua các thời kỳ, với những nội dung, sự kiện quan trọng của đất nước.
Ông Nguyễn Tiến Bình và những bài báo, hình ảnh tư liệu chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ông Bình tiếp chúng tôi trong căn nhà được nhiều người ví như không gian của một bảo tàng, thư viện thu nhỏ.
Mở đầu câu chuyện, ông chia sẻ về sở thích sưu tầm các tư liệu, hiện vật văn hóa của mình. Sinh ra tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) trong gia đình có 7 anh chị em, cha ông vốn xuất thân từ giáo viên, song ông lại làm thư ký đánh máy cho một ngành xã hội mà thời đó đồng lương không đủ trang trải phí cho các con ăn học. Nên từ lúc 9 tuổi, ông đã đi bán báo dạo để phụ gia đình mưu sinh tại trung tâm Sài Gòn. Đó cũng chính là cách ông phụ giúp để cha, mẹ vơi bớt vất vả.
Những bài báo viết về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với cột mốc bằng những chiến thắng vang dội trên mặt trận của quân giải phóng làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những tờ báo đăng các sự kiện nóng làm xôn xao dư luận, những tin tức của phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh chống lại sự áp bức của chính quyền Sài Gòn đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. “Thời đó, tôi rất ngưỡng mộ sinh viên Huỳnh Tấn Mẫn. Cũng thời điểm đó, phong trào sưu tầm tem thư, bưu chính trong học sinh rất thịnh hành tại Sài Gòn và tôi cũng là một “tín đồ” của phong trào này”, ông Bình chia sẻ.
Ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), gia đình ông cùng hòa mình vào khí thế hân hoan vui mừng của người dân Sài Gòn nhưng cũng khá lo lắng vì những luồng thông tin sai lệch, trái chiều của chế độ Sài Gòn. Năm 1976, gia đình ông về Bình Long (tỉnh Bình Phước) để làm kinh tế theo chính sách của Nhà nước.
Cuộc sống gia đình ông dần ổn định, niềm tin vào xã hội mới càng lớn dần. Ngày 30-9-1978, ông cùng với người em ruột là Nguyễn Tiến Việt gia nhập Trung đoàn 205 Sông Bé và lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường K.
“Ngày xuất ngũ trở về nhà, một trong những niềm vui đến với tôi là được ba trao lại bộ Album tem bưu chính và những tờ báo của tôi mà ông đã cất giữ cẩn thận trong tủ qua nhiều năm. Ba biết tôi rất yêu thích chúng. Tôi cũng không nghĩ ông đã giữ gìn nó cẩn thận và trao tận tay khi tôi trở về.
Ba tôi giấu đi nỗi buồn trước những mất mát của em trai mình, nhưng ông tự hào về những gì các con mình đã làm cho Tổ quốc, cho dân tộc…”, ông Bình xúc động kể.
Những năm tháng công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh TX.Bến Cát, Dầu Tiếng cho đến lúc nghỉ hưu năm 2018, nhiều người biết đến ông không chỉ là một đảng viên, mà còn là người cựu chiến binh có lối sống giản dị, đam mê lịch sử.
Bộ sưu tập 1-0-2 ông có được là những cuốn sách xuất bản từ thế kỷ 19 và các bài báo xuyên suốt các giai đoạn lịch sử. Đó là các bản tin về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930), về Nam Kỳ khởi nghĩa phát hành năm 1940, đặc biệt là các tờ báo ra đời đúng ngày Cách mạng tháng Tám thành công 1945, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập; những bài báo viết về chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) toàn thắng, những bản tin quân ta bắn rơi máy bay Mỹ trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, những bài báo viết về đại thắng mùa xuân 1975.
Cùng với các bài báo, tin tức, còn có các tờ lịch lốc, trong đó đáng chú ý là những tờ lịch in “ngày lịch sử 30-4-1975”.
Để có được những tư liệu, bài báo bổ sung cho niềm đam mê của mình, ông đã cất công tìm kiếm khắp nơi. Nhờ đó, ông đã có được những bức ảnh xưa về Thủ Dầu Một do chủ tiệm Đại Đồng chụp chợ Thủ Dầu Một; các tờ báo xưa nhất của nền báo chí Việt Nam, những tờ Gia Định báo, Lục tỉnh Tân Văn...
Lan tỏa để nhân đôi giá trị
Năm 2018, khi vừa nghỉ hưu, ông bắt tay thực hiện tâm huyết của mình là chia sẻ những tư liệu, bài báo mình đã sưu tầm đến những người yêu thích lịch sử, nhất là thế hệ trẻ. Căn nhà 3 tầng của gia đình ông ở khu phố 3, phường Mỹ Phước, tầng 1 là nơi sinh hoạt gia đình và kinh doanh, 2 tầng trên ông trưng bày bộ sưu tập tài liệu, sách báo. Tư liệu được ông bố trí, trình bày một cách tỉ mỉ, khoa học theo các giai đoạn lịch sử để người xem có thể nắm bắt nhanh trong từng giai đoạn, từng chiến dịch lịch sử…
Bức ảnh tư liệu quý do tác giả Bùi Quang Thành chụp khoảnh khắc Đại tá Bùi Quang Thận (bìa phải) trên xe tăng số hiệu 843 sau khi húc đổ cổng dinh Độc Lập (nay là hội trường Thống Nhất). Chính ông đã xuống xe chạy lên nóc dinh cắm cờ, đánh dấu miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước, non sông nối liền một dãi.
Ông đưa chúng tôi đi xem những tờ báo đã ngả màu theo thời gian, nhưng hình ảnh và thông tin đăng tải vẫn còn rất rõ. Chỉ tay về những tờ báo, ông cho biết bản thân đã cất công sưu tầm từ thời niên thiếu, hiện ông vẫn thường xuyên bổ sung để hoàn chỉnh, làm phong phú thêm bộ sưu tập để chia sẻ cho mọi người.
Nhiều người đến xem sẽ bất ngờ trước bộ sưu tầm đồ sộ của ông Bình, với hàng trăm bài báo trải qua các giai đoạn lịch sử, cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc để dành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đáng chú ý là những hình ảnh chiến thắng của quân giải phóng, tấm hình do chính tác giả chụp khi quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập.
“Hiện tôi có trong tay hơn 500 bài báo trải qua các cuộc kháng chiến hào hùng và đầy tự hào của dân tộc. Với nhiều người, để sở hữu nó như là niềm kiêu hãnh, là những đồ cổ có giá trị, nhưng với tôi giá trị sẽ được nhân đôi, có ý nghĩa và hạnh phúc hơn khi chúng ta chia sẻ để người khác cùng có thể tiếp cận. Có lan tỏa thì những hiện vật, cuốn sách, tờ báo vô tri mới trở nên có giá trị văn hóa, tinh thần của xã hội”, ông Bình tâm tình.
Trước khi chia tay người lưu giữ khoảnh khắc hào hùng của dân tộc, ông Bình cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện không gian trưng bày để biến khu nhà của ông thành một “thư viện, một bảo tàng nhỏ” có thể tiếp đón tất cả những ai có cùng đam mê như ông. Nhất là thế hệ trẻ hôm nay có thể đến xem, tận mắt thấy được các chứng từ lịch sử về cuộc đấu tranh của dân tộc qua các cuộc kháng chiến, để thấy được sự anh dũng, kiên cường của các thế hệ cha anh và đường lối đúng đắn, chiến lược tài tình của Đảng và Bác Hồ qua các thời kỳ.
“Những tờ báo xưa nó như là nhật ký chứng từ lệch ngày. Vì báo thường ra sau một ngày xảy ra sự kiện đó. Nhưng khi cầm xem tờ báo, những hình ảnh tư liệu đem lại xúc cảm rất khó tả trong tôi. Tôi cứ ngỡ như mình đang được sống lại ngày ấy - những ngày tháng 4-1975, khi tin vui liên tiếp gửi về, nhất là không khí của đại thắng mùa xuân 1975 trên khắp mọi vùng miền của đất nước thân yêu đã được đăng tải trên rất nhiều tờ báo. Niềm vui, hạnh phúc vỡ òa khi non sông thu về một dãi, đất nước thanh bình để bước qua trang sử mới, đất nước phát triển ngày một rạng rỡ như niềm mong ước của Bác…”, ông Bình xúc động chia sẻ. |
Minh Duy