| 30-10-2021 | 16:22:15

Người mắc COVID-19 nguy cơ tái nhiễm gấp 5 lần nếu không tiêm vaccine

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Tarzana, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nghiên cứu mới được công bố ngày 30/10 cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 sẽ cao hơn gấp 5 lần đối với những trường hợp không tiêm chủng trong khi đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh này. 

Nghiên cứu trên do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành đối với 7.000 trường hợp sinh sống tại 9 bang của Mỹ, phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng giống như mắc COVID-19.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và từng mắc bệnh này có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 cao gấp 5 lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ và chưa từng mắc bệnh này.

Khoảng 6.000 người trong số các trường hợp được nghiên cứu đã được tiêm chủng đầy đủ với vaccine của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech từ 3-6 tháng trước khi nhập viện.

Trong khi đó, 1.000 người còn lại là những trường hợp chưa tiêm chủng và đã mắc COVID-19 cách đó 3-6 tháng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 5% bệnh nhân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong khi tỷ lệ này ở nhóm chưa tiêm chủng là khoảng 9%.

Dựa trên các dữ liệu liên quan khác như tuổi tác và mức độ lây nhiễm ở các khu vực khác nhau của nước Mỹ, các nhà khoa học đã ước tính ra rằng nguy cơ tái mắc bệnh ở nhóm chưa được tiêm phòng thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ nêu trên.

Theo CDC, các dữ liệu khoa học đã chứng minh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể tạo ra phản ứng miễn dịch cao hơn, mạnh mẽ hơn và ổn định hơn, theo đó người đã được tiêm sẽ không phải nhập viện điều trị trong trường hợp mắc bệnh và "tấm lá chắn" này có tác dụng trong tối thiểu 6 tháng.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky nêu rõ: "Như vậy, giờ đây chúng ta đã có thêm bằng chứng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của vaccine ngừa COVID-19, ngay cả đối với những người đã từng mắc căn bệnh này."

Trong khi đó, Tiến sỹ Mike Saag - một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Alabama tại Birmingham (Mỹ), không nằm trong nhóm thực hiện nghiên cứu trên - đánh giá nghiên cứu đã "được thực hiện tốt và thuyết phục."

Ông cũng cho rằng đây là thông tin quan trọng đối với các bậc phụ huynh, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang hướng tới việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em./.

Theo TTXVN

Chia sẻ