Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chị Trương Thị Tạn bên máy sản xuất tăm nhang. Hiệu quả của chiếc máy này là có thể làm ra sản phẩm nhanh gấp 4 lần so với cách làm thủ công như trước đây
Người phụ nữ tâm huyết với nghề
Nghề chẻ tăm nhang du nhập vào Dĩ An đã hàng chục năm nay và phát triển mạnh nhất vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nghề chẻ tăm nhang ngày càng gặp nhiều khó khăn, thu nhập của những hộ theo nghề từ đó cũng không ổn định. Để tìm hướng đi hiệu quả cho nghề chẻ tăm nhang, bao đêm chị Trương Thị Tạn trăn trở phải làm cách nào đó để tìm được nguồn nguyên liệu và đầu ra hợp lý để có thể hạ giá thành sản phẩm so với thị trường lúc đó. Chị Tạn tâm sự: “Gia đình tôi bắt đầu theo nghề làm tăm nhang từ năm 1992 nhưng do mua lại tre từ chủ thầu nên không có lời, vì vậy muốn sống được bằng nghề này mình phải tới tận nơi có nhiều nguồn nguyên liệu để đặt hàng”.
Năm 1993, chị Tạn cùng chồng lặn lội khắp các khu rừng để tìm nguồn tre. Cuối cùng, nơi cho chị nguồn nguyên liệu dồi dào và trở thành đầu mối đặt hàng của chị là tre ở rừng La Ngà (Đồng Nai) và các khu rừng ở Lâm Đồng. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, đến nay, nguồn nguyên liệu đưa về cho xưởng của chị mỗi ngày là 10 tấn tre, giá trị khoảng 25 triệu đồng phân phối cho các chị em khó khăn trong khu phố, giải quyết việc làm cho 70 lao động nhàn rỗi, bình quân thu nhập 3 triệu đồng/người/ tháng. Đối với những gia đình có thể nhận nguyên liệu về sản xuất, chị Tạn phân phối giúp 20 hộ gia đình có việc làm, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng/ hộ, đồng thời bao tiêu sản phẩm do chị em làm ra theo đúng giá thị trường, giúp các chị em có lãi.
Chị Lê Thị Tâm, lao động gần nhà chị Tạn cho biết: “Làm tăm nhang là nghề truyền thống của cha ông nên khi được chị Tạn tạo điều kiện, thu nhập của gia đình ngày càng được cải thiện, hơn nữa khi nhận nguyên liệu về nhà để sản xuất, mình vừa làm vừa có thể chăm lo cho gia đình mà không phải lo lắng”.
Để phát triển ngành nghề, chị Tạn đã trang bị máy móc có công nghệ tiên tiến, sản phẩm làm ra nhanh gấp 4 lần so với làm thủ công. Ngoài ra, được sự hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ một máy chẽ nhang ban đầu, đến nay chị đã trang bị được 5 máy (mỗi máy có giá 8,5 triệu đồng), hoạt động kinh doanh của gia đình chị ngày càng hiệu quả, cho thu nhập ổn định 20 triệu đồng/tháng.
Để các chị em khác vươn lên thoát nghèo, chị Tạn đã giới thiệu đến Hội LHPN phường Dĩ An tạo điều kiện cho các chị em cùng vay vốn làm ăn, đồng thời cung cấp nguyên liệu, vật liệu, hướng dẫn, tạo việc làm cho chị em. Hiện tại, hầu hết các chị em ở khu phố đã sắm được cho mình từ 2 - 3 máy (trước chỉ có 1 máy), làm ra nhiều sản phẩm hơn so với trước, thu nhập ngày càng cải thiện. Từ đó, nhiều chị em từ nghèo khó đã vươn lên làm giàu chính đáng như chị Phan Thị Lê, chị Đoàn Thị Ngọc Trinh, chị Ngô Thị Hồng….
Hơn 20 năm tâm huyết với nghề, cùng với 60 hộ ở TX.Dĩ An còn giữ nghề, chị Trương Thị Tạn đang góp phần khơi dậy sức sống cho nghề làm tăm nhang truyền thống của quê hương. Hiện tăm nhang do chị Tạn và các chị khác ở TX.Dĩ An sản xuất ra không chỉ phục vụ nhu cầu tại Bình Dương mà còn tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác, như: Đồng Nai, TP.HCM, Long An... và cả các tỉnh phía Bắc. Ngoài thị trường trong nước, tăm nhang ở đây còn xuất khẩu đi các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore...
TÂM BÌNH