| 05-12-2016 | 08:59:13

“Người thầy khuyết tật” của con em công nhân

Một buổi chiều trong tháng tri ân thầy cô (tháng 11), chúng tôi ghé thăm anh Trần Đức Hải (SN 1981), công nhân (CN) bị tai nạn lao động (TNLĐ) có tỷ lệ thương tật 91%. Mặc dù đôi tay, đôi chân gần như mất cảm giác nhưng với nghị lực phi thường, anh đã vượt qua tất cả để ôn luyện kiến thức và dạy học cho con em CN đang sinh sống trong và ngoài phường Bình Hòa, TX.Thuận An.

Anh Hải đang dạy học cho con em CN Ảnh: T.LÝ

Tai nạn bất ngờ

Theo lời giới thiệu của những CN có con đang theo học tại lớp anh Hải, chúng tôi biết đến anh với tên gọi thân thương “Người thầy khuyết tật”. Mang trên mình thương tật nhưng anh quyết tâm “tàn nhưng không phế”, miệt mài ngày đêm giúp các em học sinh con em CN mất căn bản tìm lại kiến thức, định hướng tương lai. Thế nhưng phía sau nghị lực của người thanh niên ấy là một câu chuyện buồn.

Rưng rưng nước mắt, bà Trần Thị Tuyết, mẹ anh Hải kể, ngày 30-3-2008, trong lúc đang làm việc thì bà nghe tin con trai bị TNLĐ. Bà không còn biết gì, bỏ công việc chạy thẳng ra cổng công ty đón xe ôm đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nơi, đứng trước phòng cấp cứu, bà vẫn mong nghe nhầm. Lúc bác sĩ ra và nói, con bà bị đứt gân cổ, khó có thể điều trị, bà suy sụp hoàn toàn. Bà chết lặng nhưng rồi khi tỉnh dậy tự trấn an “còn nước còn tát”, sẽ có ngày con bà bình phục.

Qua lời kể của bà, chúng tôi được biết anh Hải trước đây là CN Công ty Điện lực Bình Dương. Anh bị tai nạn trong lúc đi kiểm tra dây điện. Lúc đó, trời vừa tạnh mưa, anh trèo lên kiểm tra dây điện thì bị trượt thang, té xuống. Chiếc mũ bảo hộ của anh do bị va đập mạnh bị bể cắt ngang cổ khiến anh Hải bất tỉnh. Tỉnh dậy anh thấy mình nằm trong bệnh viện nhưng không ai cho anh biết mức độ thương tật. Thương anh, mọi người chỉ “nuốt nước mắt vào trong” mỉm cười để anh Hải bình tĩnh mà điều trị. Thế nhưng, ngày qua ngày, tháng qua tháng, anh mới biết mình không thể bình phục. Đúng 1 năm chạy chữa đủ các bệnh viện, bao nhiêu tiền bạc của gia đình cũng vì đó mà ra đi. Thấy không thuyên giảm, anh xin mẹ đưa về nhà điều trị.

Từ một con người lành lặn nay nằm một chỗ, từ một chàng trai đầy hoài bão nay trở thành gánh nặng cho gia đình khiến anh Hải không còn muốn sống. Những suy nghĩ tiêu cực cứ đến rồi đi trong tâm trí anh Hải, bởi anh tự nhủ mình không được gục ngã mà phải chiến đấu với bệnh tật, thử thách. Mình phải là niềm vui, niềm tự hào chứ không phải gánh nặng cho gia đình.

Cuộc sống cực khổ, khó khăn làm cho gia đình anh tan rã, ba anh bỏ lại mẹ con anh ra đi. Lúc này, mọi gánh nặng lại đổ dồn trên đôi vai người mẹ tần tảo. Thương con, ai chỉ chỗ nào có thầy hay, thuốc tốt bà đều đưa anh đi chạy chữa nhưng bất thành. Bà nói: “Ngày ấy thấy con nằm một chỗ buồn rầu mà mình đau đớn. Làm người mẹ ai lại không muốn con được thành công, hạnh phúc nhưng nay nó gặp nạn dù đau nhưng phải cười, lạc quan để con có động lực vượt qua”.

Tìm niềm vui

Sau khi rời bệnh viện về nhà, nhìn đống sách vở lớp đại học tại chức Khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh khiến cho anh Hải trầm buồn. Ước mơ chinh phục tiếp tấm bằng đại học của anh ngưng lại sau khi bị TNLĐ.

Anh Hải tâm sự, anh rất thích đi học nhưng gia đình nghèo đành phải nghỉ học từ lớp 7 để phụ ba mẹ làm nuôi các em. Sau đó, anh đăng ký học bổ túc, rồi thi vào trường Cao đẳng Điện lực TP.Hồ Chí Minh. Ra trường, anh Hải về đầu quân cho Công ty Điện lực Bình Dương. Trong thời gian đi làm, thực hiện mong muốn lấy được tấm bằng đại học anh tiếp tục học liên thông, đang học thì bị TNLĐ.

Thương mẹ tần tảo sớm hôm kiếm tiền nuôi 4 người con học hành, anh Hải càng quyết tâm phải cố gắng vượt qua bệnh tật để trở thành người có ích. Vốn là một người đam mê học, anh nhờ mẹ lấy sách ra coi cho đỡ buồn, đồng thời muốn lấy kiến thức kiếm tiền giúp mẹ. Ban đầu, đôi tay, đôi chân anh không thể chuyển động, chỉ có cái đầu còn cảm giác và biết mọi thứ. Thấy con mê đọc sách, mẹ anh những lúc rảnh thường ngồi giúp con lật từng trang sách. Sau đó, anh cố gắng tập luyện để có thể nhấc được tay phải lên và cử động được khuỷu tay. Thế nhưng bàn tay anh vẫn không thể nhúc nhích, anh cố gắng dùng lực của khuỷu tay để lật từng trang sách. Cũng từ cố gắng của bản thân anh đã có thể lật được sách, sử dụng máy tính nghiên cứu sách, báo.

Học cùng con, mẹ anh nghĩ ra nhiều cách để anh có thể dùng máy tính khi nằm trên giường bằng cách cắt chân bàn vừa tầm anh nằm. Sau đó, bà kê lên bụng anh và đặt tay anh lên bàn phím để có thể chuyển khuỷu tay nhấp vào các trang web. Bà còn lấy dây thun cột cây bút nằm ngang tay anh để anh tập viết chữ. Một điều đáng mừng, anh được xét tặng chiếc xe lăn, giúp anh có thể ngồi dậy để viết và đọc sách, dùng máy tính.

Một hôm, người hàng xóm qua chơi thấy anh nghiên cứu sách vở liền nhờ anh dạy học cho con họ. Thương gia đình anh hàng xóm nhiệt tình giúp đỡ, cũng như học tập tấm gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, anh Hải nhận lời. Từ khi được anh Hải hướng dẫn, Đạt là một cậu bé học yếu lớp 3 vươn lên đứng vị trí thứ 2, 3 trong lớp. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đến hỏi thăm và xin gửi con cho anh Hải kèm giúp. Từ đó, anh Hải có thêm nghề mới “người thầy bất đắc dĩ”.

Tấm gương sáng

Qua 5 năm hướng dẫn các em, lớp học của anh Hải có nhiều em từ mất căn bản củng cố được kiến thức. Em Đoàn Thu Trang kể, lên lớp 8, ba mẹ đi làm cả ngày, bạn bè lại rủ rê nên Trang học rất yếu. Kết quả học tập của Trang lúc nào cũng xếp cuối lớp. Sau đó, ba mẹ Trang gửi em cho anh Hải dạy. Sau một thời gian được anh Hải hướng dẫn, Trang dần dần nắm lại kiến thức. Ngày thi giữa kỳ học kỳ 2 lớp 8, Trang thi cao điểm bị thầy cô nghi ngờ sao chép bài bạn. Do đó, khi thi cuối kỳ Trang bị bắt lên bàn giáo viên ngồi làm bài một mình. Kết quả, em làm tốt và được loại khá trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Từ đó trở đi, Trang luôn đạt loại khá, giỏi. Năm nay lên lớp 11, gia đình chuyển từ Bình Hòa về phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên sống, nhưng mỗi tuần 4 buổi Trang đều đặn đến để học cùng anh Hải.

Còn đối với Phạm Thị Thúy Hồng năm nay học lớp 11, với gương mặt sáng và thành tích học tập tốt, ít ai biết trước đây Hồng là một học sinh cá biệt. Em cá biệt bởi thường xuyên bỏ học, kết quả học tập kém và hay tụ tập đánh bạn. Hồng bộc bạch, từ lớp 1 đến lớp 6, em đều là học sinh giỏi. Sau cú sốc ba mẹ bỏ nhau em bỏ bê học tập đến mất căn bản. Lớp 8, được đứa bạn cùng lớp rủ đi học lớp chú Hải, em theo học và cảm thấy thích trước cách dạy của chú. Học tập tấm gương của chú Hải, Hồng không còn nghịch ngợm, đánh nhau mà tập trung học tập với ước mơ sau này có công ăn việc làm ổn định để chăm sóc mẹ.

Còn rất nhiều em học sinh của anh Hải nay đã trở thành những người con ngoan, trò giỏi. Niềm vui ánh lên trong mắt anh Hải khi nói về học trò của mình. Một điều đặc biệt của lớp học này, anh Hải không đặt ra bất kỳ mức học phí nào bắt các em phải đóng. Thấy hoàn cảnh mẹ con anh Hải, gia đình các em gửi bồi dưỡng anh nhiều ít tùy tấm lòng. Nhiều trường hợp nghèo khó, anh Hải dạy miễn phí và còn giúp các em định hướng tương lai. Anh Hải không chỉ là thầy mà còn là người anh, người bạn của các em, giúp chúng cảm thấy thoải mái nhất khi đến với lớp học này.

Chiều muộn, tạm biệt lớp học đặc biệt, trên đường trở về, tiếng anh Hải luôn văng vẳng bên tai tôi khi anh nhắc nhở các em chuẩn bị bài vở, cách giải các bài toán, lý, hóa. Từ một người khuyết tật nhưng anh đã vượt qua trở ngại, trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo, tôi thật sự cảm phục trước nghị lực sống “tàn nhưng không phế” của anh Hải.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ