| 27-01-2016 | 09:22:29

Nhà giàn DK1 giúp ngư dân bám giữ ngư trường

Giữ gìn chủ quyền biển đảo vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã xác định trong những năm qua. Các cụm Nhà giàn DK1 trên khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc ngoài việc thực hiện bảo đảm nhiệm vụ an ninh quốc phòng, các trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật này còn góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là giúp đỡ, hỗ trợ các ngư dân bám giữ ngư trường trong hoạt động đánh bắt hải sản.   

 Đoàn công tác chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc

Nhà giàn DK1, nơi khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, ngày 19-3-2009, Vùng 2 Hải quân được thành lập theo Quyết định số 671/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảo rộng lớn từ mũi Ba Kiệm, Hàm Tân, Bình Thuận đến cửa Gềnh Hào, tỉnh Bạc Liêu, bao gồm toàn bộ khu vực thềm lục địa phía Nam kéo dài đến điểm tiếp giáp đường phía Đông giữa 3 nước Việt Nam - Indonesia - Malaysia và khu vực DK1. Vùng biển của Vùng 2 quản lý rất rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản, là những trung tâm kinh tế của đất nước và khu vực, đang mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Nhưng đây cũng là khu vực và vùng biển rất nhạy cảm, phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó lường. Tuy nhiên, thời gian qua với quyết tâm cao, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xử lý đúng, trúng đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ đã góp phần giữ vững ổn định, không để xảy ra các tình huống phức tạp…

 Các cụm Nhà giàn DK1 không những có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển thềm lục phía Nam của Tổ quốc mà còn hỗ trợ giúp ngư dân trong hoạt động đánh bắt thủy sản

Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, trong hơn 6 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, sự quan tâm yêu thương đùm bọc, chở che, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành ven biển từ Bình Thuận đến Bạc Liêu, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các đơn vị bạn, sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt bậc của cán bộ chiến sĩ trong toàn Vùng, Vùng 2 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình trên biển.

DK1, chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân ra khơi

28 năm có mặt trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có thể nói Nhà giàn DK1 đã trở thành địa chỉ tin yêu của ngư dân trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung tá Hoàng Khắc Thắng, Trưởng ban Dân vận, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, trong năm 2015, thực hiện Nghị định số 48/CP của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, các Nhà giàn DK1 đã xác nhận cho 3.215 lượt tàu đánh cá của ngư dân, hỗ trợ cấp nước ngọt cho ngư dân. Ngoài ra, các Nhà giàn DK1 đã hỗ trợ cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm cho hàng trăm lượt ngư dân, kịp thời dự báo bão và thông báo bão để ngư dân phòng tránh bão, góp phần giảm nhẹ các thiệt hại. Bên cạnh đó, đội ngũ quân y tại các Nhà giàn DK1 còn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.282 lượt người, hỗ trợ ngư dân sửa chữa máy móc cho 37 lượt phương tiện tàu đánh cá của ngư dân bị hư hỏng…

Với những thành tích đạt được, thời gian qua, nhiều điển hình tập thể, cá nhân tại các Nhà giàn DK1 đã được tuyên dương, khen thưởng. Mới đây, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/17 nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu đánh cá của ngư dân bị trôi dạt trên biển, lực lượng đã kịp thời tìm kiếm cứu vớt 3 ngư dân bị thương lên nhà giàn để chăm sóc sức khỏe, cho ăn uống và liên lạc với tàu và đưa các ngư dân về tàu an toàn. Trước đó, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 đã kịp thời cứu vớt, chữa trị cho ngư dân bị hải tặc bắn trọng thương…

Bên cạnh những niềm vui, hạnh phúc, trong quá trình làm nhiệm vụ đã có cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên vùng biển phía Nam thuộc các cụm nhà giàn Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên. Đó là những cái tên như liệt sĩ thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần; khi nhà giàn bị đổ, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Trong lúc sóng to gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất. Hay hành động cao đẹp của anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A DK1/6 Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 vào năm 1998, anh đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn. Rồi những tấm gương dũng cảm của các đồng chí cán bộ thuyền: Thượng úy Phạm Tảo, trung úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh… chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trực chốt kiên cường, dũng cảm cứu vớt đồng đội...

Gần 30 năm có mặt trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 không những đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, mà đây còn là địa chỉ, một chỗ dựa vững chắc của ngư dân, giúp ngư dân yên tâm bám giữ ngư trường.

 28 năm có mặt trên vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có thể nói Nhà giàn DK1 đã trở thành địa chỉ tin yêu của ngư dân trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong năm 2015, thực hiện Nghị định số 48/CP của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, các Nhà giàn DK1 đã xác nhận cho 3.215 lượt tàu đánh cá của ngư dân, hỗ trợ cấp nước ngọt cho ngư dân. Ngoài ra, các Nhà giàn DK1 đã hỗ trợ cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm cho hàng trăm lượt ngư dân; kịp thời dự báo bão và thông báo bão để ngư dân phòng tránh bão, góp phần giảm nhẹ các thiệt hại. Bên cạnh đó, đội ngũ quân y tại các Nhà giàn DK1 còn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.282 lượt người, hỗ trợ ngư dân sửa chữa máy móc cho 37 lượt phương tiện tàu đánh cá của ngư dân bị hư hỏng…

 
MINH DUY

Chia sẻ