Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng và nhiều địa phương đã triển khai kết nối, bình ổn hàng hóa cho người dân. Trong đó, nổi bật phải kể đến là mở các điểm bán hàng bình ổn giá, mua bán hàng hóa thiết yếu qua phương thức giao hàng tận nơi.
UBND phường Bình Nhâm niêm yết danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia cung ứng hàng hóa theo hình thức “đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà” trên địa bàn
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường Bình Nhâm (TP.Thuận An) cho biết, do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp gây ra những khó khăn nhất định cho người dân trong việc đi lại và mua sắm, thời gian qua UBND phường đã chủ động liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đủ năng lực cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Qua đó, tạo kênh kết nối giữa đơn vị cung ứng với người dân và hỗ trợ các bên mua bán thuận lợi thông qua kênh phân phối đặt hàng bằng điện thoại, ứng dụng mạng xã hội và giao hàng tận nơi.
Qua tìm hiểu, hoạt động kết nối mua bán như trên đã được khá nhiều địa phương triển khai hoạt động có hiệu quả, hạn chế người dân ra đường trong thời gian dịch bệnh. Trong khi đó, công tác an toàn phòng dịch và kiểm soát giá cả hàng hóa cũng dễ dàng hơn. Từ ngày 19-7, UBND phường Lái Thiêu (TP.Thuận An) sẽ bố trí thêm 4 điểm bán hàng bình ổn giá tại khuôn viên trường Mẫu giáo Hoa Cúc 5 (khu phố Hòa Long); khu đất trống trên đường Lái Thiêu 41 và đường Lái Thiêu 45 (khu phố Đông Nhì); trường Tiểu học Trần Quốc Toản (khu phố chợ); quán cà phê 1975 (168 Cách Mạng Tháng Tám, khu phố Long Thới). Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, cho biết địa phương hy vọng thông qua việc mở thêm những điểm bán hàng bình ổn giá có thể giúp người dân có điều kiện mua sắm đầy đủ hàng hóa với giá cả bình ổn, giúp giãn cách người dân đến mua sắm tại chợ truyền thống và các cửa hàng thực phẩm đang có dấu hiệu quá tải những ngày qua.
Tại huyện Dầu Tiếng cũng triển khai cơ sở vật chất sẵn sàng mở thêm 9 điểm bán hàng bình ổn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Theo đó, từ ngày 19-7, huyện Dầu Tiếng phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu như Sài Gòn Co.op, Aeon Mall đồng loạt khai trương nhiều điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn 12 xã, thị trấn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết việc triển khai các điểm bán hàng bình ổn kỳ vọng giảm bớt sự tập trung của người dân ở một số chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm… để giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Hiện các doanh nghiệp đang tổ chức vận chuyển nhiều tấn hàng từ kho lên các điểm bán hàng bình ổn ở huyện Dầu Tiếng và chính thức mở bán từ ngày 19-7 đến khi dịch bệnh bớt căng thẳng và chuỗi cung ứng hoạt động trở lại bình thường.
ĐÌNH THẮNG