| 09-06-2022 | 05:50:19

Nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thời đại 4.0

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Theo Người, cán bộ phải là người vừa có đức, vừa có tài, vừa có bản lĩnh, trong đó đức chính là cái gốc.

 Cán bộ “một cửa” UBND phường Hưng Định, TP.Thuận An hướng dẫn người dân làm hồ sơ trực tuyến

Trong thời đại công nghiệp 4.0, người cán bộ không chỉ cần có đủ 3 tiêu chuẩn đức, tài, bản lĩnh mà cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức mới về công nghệ thông tin (CNTT), về chuyển đổi số nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn theo đúng thực chất của chính quyền gần dân, hiểu dân. Trong xu hướng của thời đại, đòi hỏi này lại khẳng định sự tất yếu, khách quan, nhất là các tiêu chuẩn, kỹ năng mềm, kỹ năng cứng của người cán bộ.

Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm công tác cán bộ thì nơi đó luôn có đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) chuyên nghiệp, đáp ứng thời đại 4.0. Cụ thể tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát…, cấp ủy, chính quyền luôn quyết tâm xây dựng đội ngũ CBCC là những người dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng người cán bộ đủ các phẩm chất gương mẫu, dân chủ, có tố chất văn hóa ứng xử hài hòa trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và cả trên môi trường mạng.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết thời gian gần đây, TP.Thuận An luôn chú ý quá trình xây dựng chiến lược về công tác cán bộ. Thành phố đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng CBCC, sắp xếp bộ máy tinh gọn và sát thực tiễn, nhất là tại bộ phận “một cửa” các cấp, CBCC trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân trên văn bản giấy, cũng như trên các phần mềm máy tính.

“Để xây dựng đội ngũ CBCC đáp ứng thời đại 4.0, TP.Thuận An cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBCC, nhất là bồi dường các kỹ năng nghiệp vụ CNTT, giao tiếp và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng”, ông Tâm chia sẻ.

Ngoài việc chọn đủ, đúng CBCC có đức, tài và bản lĩnh thì để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, trong thời gian tới, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có kế hoạch cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng CNTT cho đội ngũ CBCC nhanh chóng thích ứng chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Việc đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng CNTT cho cán bộ còn góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp nhằm bảo đảm năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của Bình Dương.

Xuất phát từ quan điểm chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, địa phương cần dựa trên năng lực, có kế hoạch phát huy lợi thế, thế mạnh của từng tổ chức trong hệ thống chính trị để cả hệ thống chính trị thực sự là động lực của chuyển đổi số; đồng thời cần sớm triển khai chương trình phát triển công dân số để thích ứng và thụ hưởng các thành tựu của chính quyền số. Cùng với đó là cần tiếp cận, vận dụng phù hợp những bài học kinh nghiệm về thành công trong cải cách hành chính Nhà nước đã được Chính phủ, các địa phương có kết quả CCHC tốt rút ra, nhất là bài học về phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng và bài học xác định đúng yếu tố mang tính quyết định thành bại là yếu tố con người.

 HỒ VĂN

Chia sẻ